Theo số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), công bố ngày 11/6, các biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến Tổng Sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) giảm 3,4% trong quý 1/2020, mức giảm lớn nhất kể từ khi số liệu về GDP được thống kê năm 1998.
OECD cho biết mức giảm sâu nhất được ghi nhận tại Trung Quốc, nền kinh tế đã giảm tới 9,8% so với quý 4/2019, tiếp theo là Pháp và Italy, với cùng mức giảm 5,3%.
Đây cũng là những nước đầu tiên trên thế giới áp đặt các biện pháp phong tỏa chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt nhất.
[G20 cam kết hỗ trợ hơn 21 tỷ USD cho cuộc chiến chống COVID-19]
Theo OECD, so với mức giảm lớn nhất của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới bắt đầu từ năm 2008, GDP của G20 chỉ giảm 1,5% trong quý I/2009.
OECD cảnh báo do các biện pháp phong tỏa và cách ly xã hội nhằm chống dịch COVID-19, nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm ít nhất 6% trong năm nay.
Theo tổ chức có trụ sở tại Paris (Pháp), nếu xuất hiện làn sóng dịch COVID-19 thứ hai vào cuối năm nay, GDP có thể giảm tới 7,6% và cả hai kịch bản này nếu xảy ra, sự phục hồi đều kinh tế sẽ chậm và không chắc chắn.
Cũng theo báo cáo vừa công bố, GDP của Đức sẽ giảm 2,2%, Canada giảm 2,1% và mức giảm của Anh sẽ là 2%.
Các nước ghi nhận mức giảm khiêm tốn hơn gồm Brazil (1,5%), Mỹ và Hàn Quốc cùng giảm 1,3%, Mexico giảm 1,2%. Mức giảm ít hơn nữa là Indonesia với 0,7%, Nhật Bản (0,6%) và Australia (0,3%)./.