COVID-19: 'Xắn tay' cùng Bắc Giang ổn định sản xuất, tiêu thụ nông sản

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương để bảo đảm thông quan dễ dàng, thuận lợi hơn nữa, ưu tiên luồng xanh ở các cửa khẩu chính ngạch cho sản phẩm vải Bắc Giang.
COVID-19: 'Xắn tay' cùng Bắc Giang ổn định sản xuất, tiêu thụ nông sản ảnh 1Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc trực tuyến với Bắc Giang về sản xuất và tiêu thụ nông sản. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày (25/5), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì làm việc trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang về tình hình sản xuất công nghiệp, cung ứng hàng hóa thiết yếu và kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản của địa phương trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh này.

Công nhân âm tính với SARS-CoV-2 mới tiến hành sản xuất

Theo báo cáo của Bắc Giang, tính đến 17 giờ 30 phút ngày 24/5, trên địa bàn tỉnh có tổng số 1.024 ca dương tính, chủ yếu là công nhân tại Khu công nghiệp Quang Châu. Do đó, Bắc Giang đã tạm dừng hoạt động 4/5 Khu công nghiệp, 340/344 doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp tạm đóng cửa với 172.000 công nhân ngừng việc.

[164 thương nhân thực hiện cách ly khi sang thu mua vải thiều Bắc Giang]

Trước khi đóng cửa các Khu công nghiệp, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã tổ chức họp trực tuyến với tất cả các doanh nghiệp, khẳng định quyết tâm tổ chức nối lại sản xuất theo tinh thần sống chung với dịch.

Tỉnh đã thành lập 35 tổ công tác để tiến hành hướng dẫn, kiểm tra về điều kiện an toàn phòng chống dịch COVID-19 tại các nhà máy, xí nghiệp trong Khu công nghiệp, đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp đăng ký khôi phục sản xuất theo mô hình mới đảm bảo phòng chống dịch.

Hiện đã có 6 doanh nghiệp nộp đề nghị và đang được xem xét mở lại sản xuất.

Các doanh nghiệp sẽ được đánh giá, kiểm định an toàn dịch như bố trí nhà xưởng đã hợp lý chưa, giãn cách công nhân thế nào; xét nghiệm rà soát toàn bộ công nhân 2 lần trước khi vào nhà máy, khi có kết quả âm tính tiếp tục tổ chức xét nghiệm trong nhà máy 1 lần cuối, nếu âm tính mới tiến hành sản xuất.

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang cũng đưa cán bộ y tế vào để giúp doanh nghiệp tự thành lập tổ kiểm soát, ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng chống dịch bệnh trong nội bộ.

"Các doanh nghiệp chỉ đặt mục tiêu 40% hoặc 70% công suất tùy theo quy mô, không đặt nặng mục tiêu sản lượng mà trước hết là đảm bảo dây chuyền hoạt động an toàn, ổn định trong bối cảnh dịch bệnh, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng," đại diện tỉnh Bắc Giang cho hay.

Về mặt hàng nông sản, theo ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang, hiện có nhiều sản phẩm đến kỳ thu hoạch, lớn nhất là vải thiều đã vào vụ thu hoạch sớm.

Ước tính, năm nay trái vải được mùa, khả năng đạt 180.000 tấn, trong đó 45.000 tấn đã vào vụ tiêu thụ và từ 10/6 sẽ vào chính vụ với khoảng 135.000 tấn. Ngoài ra, còn khoảng 9.000 tấn dứa cũng đang vào vụ thu hoạch, gà khoảng 1.700 tấn, lợn 5.600 tấn, với giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng.

Do một số địa bàn bị giãn cách để đảm bảo an toàn phòng dịch nên rất khó khăn cho tiêu thụ tất cả các mặt hàng này.

Thông tin thêm, ông Dương Văn Thái, Bí thư tỉnh ủy Bắc Giang cho hay cùng với sự nỗ lực của địa phương trong việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch để sớm đưa doanh nghiệp trở lại hoạt động, tỉnh cũng đã và đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ hàng hóa nông sản trên các các kênh truyền thống và thương mại điện tử.

“Tỉnh Bắc Giang kiến nghị có sự hỗ trợ của Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan để lưu thông hàng hóa được tốt hơn,” ông Dương Văn Thái Bí thư tỉnh ủy Bắc Giang nói.

Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản

Trước các vấn đề hiện nay, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định sẽ tăng cường các biện pháp để đồng hành và hỗ trợ Bắc Giang cũng như các địa phương có dịch trong chức năng, nhiệm vụ của mình.

Cụ thể, về xuất khẩu trái vải, bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á-châu Phi đề nghị Bắc Giang đẩy mạnh quảng bá sản phẩm qua thương mại điện tử; đảm bảo vùng trồng không COVID. Ngoài ra, địa phương cần theo dõi tâm lý người tiêu dùng và kịp thời các biện pháp truyền thông để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Trong bối cảnh dịch bệnh, để đảm bảo hàng hóa đầy đủ phục vụ nhu cầu của người dân, đặc biệt người dân tại các khu cách ly, Bộ Công Thương sẵn sàng là cầu nối để điều phối hàng hóa thiết yếu hỗ trợ nếu Bắc Giang có nhu cầu. Lực lượng quản lý thị trường cũng đang theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ nhu cầu đối với quả vải Bắc Giang vẫn rất cao, nhưng một phần khó khăn đang ở các cửa khẩu. Bộ Công Thương sẽ làm việc với các địa phương biên giới để phối hợp, hỗ trợ hàng hóa nông sản được vận chuyển từ Bắc Giang lên khu vực cửa khẩu.

Tuy vậy, ông đề nghị Bắc Giang cần làm đúng theo hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch theo công văn số 1083/BCT-TTTN ngày 1/3/2021 mà Bộ Công Thương đã gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để tạo điều kiện thuận lợi trong việc phối hợp, bảo đảm lưu thông hàng hóa.

Trong khi đó, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh  đề nghị Bắc Giang làm việc với Bộ Y tế để cấp các chứng nhận đảm bảo chất lượng về y tế của sản phẩm, tạo lòng tin về số lượng, chất lượng, quy cách đối với các thương nhân không thể đến thu mua trực tiếp vì dịch bệnh.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh 3 mục tiêu lớn trong thời gian tới mà ngành Công Thương cần khẩn trương vào cuộc mạnh mẽ để hỗ trợ Bắc Giang vượt qua khó khăn dịch bệnh là: Thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc biệt sản phẩm vải thiều; đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu; khôi phục sản xuất đi đối với đảm bảo phòng chống dịch bệnh.

Bộ Công Thương và Bắc Giang thống nhất thị trường trong nước là quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại, theo đó “những năm trước chỉ 50% thì giờ phải lên gấp rưỡi” đồng thời nhấn mạnh khó khăn từ dịch bệnh cũng sẽ chính là cơ hội để thực hiện các giải pháp tối ưu hóa thị trường 100 triệu dân.

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương phối hợp với tỉnh để đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, kết nối cung cầu, tận dụng nền tảng trực tuyến và thương mại điện tử để đưa sản phẩm tiêu thụ trong, ngoài nước.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương, cửa khẩu để bảo đảm thông quan dễ dàng, thuận lợi hơn nữa, ưu tiên luồng xanh ở các cửa khẩu chính ngạch cho sản phẩm vải thiều…

Về việc đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu nếu dịch bệnh có chiều hướng phức tạp hơn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết việc đặt mục tiêu cao nhất là không để khan hiếm, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt trong các khu cách ly… Ông cũng đề nghị Bắc Giang xây dựng, đảm bảo phương án 4 tại chỗ gắn với các kịch bản ở các cấp độ khác nhau.

COVID-19: 'Xắn tay' cùng Bắc Giang ổn định sản xuất, tiêu thụ nông sản ảnh 2Năm nay, sản lượng vải của tỉnh Bắc Giang khả năng đạt 180.000 tấn, trong đó 45.000 tấn đã vào vụ tiêu thụ và từ 10/6 sẽ vào chính vụ. (Ảnh: TTXVN)

Về sản xuất công nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bắc Giang tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện mục tiêu kép, ngành Công Thương địa phương cần phối hợp với Bộ Công Thương để tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, có lộ trình cụ thể trong khôi phục sản xuất để duy trì chuỗi cung ứng.

“Nơi nào không đảm bảo an toàn thì dứt khoát chưa cho hoạt động trở lại, nhưng phải tích cực kiểm tra để hỗ trợ các nơi đã đủ điều kiện,” ông Diên nêu rõ và đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung nguyên liệu đầu vào cũng như tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Hiện, Bộ Công Thương đã đề xuất với Chính phủ về ưu tiên tiêm vaccine cho công nhận tại các khu công nghiệp nói chung, đặc biệt các khu công nghiệp sản xuất mặt hàng xuất khẩu để đảm bảo giữ vững thị trường đối tác.

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ sau buổi làm việc cần khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể để phối hợp với Bắc Giang trên cơ sở nhiệm vụ, chức năng, trong đó đề ra các chỉ tiêu, mục tiêu rõ ràng, đảm bảo tính hiệu quả.

Lãnh đạo Bộ sẽ quan tâm chỉ đạo, ban hành các văn bản để cùng với Bộ, ngành, địa phương thúc đẩy tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang trong thời gian sớm nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.