"CPI năm 2014 thấp kỷ lục là cơ hội cho sản xuất phục hồi"

Việc chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2014 tăng 1,84% so tháng 12/2013, mức thấp nhất trong vòng hơn 1 thập niên qua được các chuyên gia kinh tế đánh giá là tín hiệu tốt, tạo cơ hội cho sản xuất phục hồi
"CPI năm 2014 thấp kỷ lục là cơ hội cho sản xuất phục hồi" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2014 tăng 1,84% so tháng 12/2013, đây là mức tăng thấp nhất trong vòng hơn 1 thập niên trở lại. Tuy nhiên, việc CPI thấp kỷ lục và phá vỡ mọi quy luật trước đó lại được các chuyên gia kinh tế đánh giá là một tín hiệu tốt, tạo cơ hội cho sản xuất phục hồi.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê, có nhiều yếu tố giữ cho CPI năm 2014 tăng ở mức thấp như vậy.

Cụ thể, nguồn cung về lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào (năm nay thời tiết thuận lợi, vụ Đông xuân và Hè thu được mùa trên cả nước) nên chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ chỉ tăng 2,61% so với tháng 12/2013 và thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 5,08% của cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó các yếu tố khách quan cũng tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng trong nước. Bà Ngọc dẫn chứng, trong năm mặt bằng giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định. Đặc biệt, giá nhiên liệu giảm mạnh, giá dầu Brent xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm quan (từ mức 110,47 USD/thùng cuối năm 2013 xuống còn dưới 60 USD/thùng thời điểm 12/2014) đã tác động khiến giá xăng, dầu trong nước phải điều chỉnh giảm đồng thời kéo theo chỉ số giá nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng; nhóm giao thông giảm tương ứng 1,95% và 5,57%, ngược hoàn toàn với mức tăng 5,49% và 2,6% của cùng kỳ năm 2013.

Đồng tình với đánh giá trên, chuyên gia kinh tế, Nguyễn Minh Phong còn cho rằng, thậm chí CPI còn có thể thấp hơn nữa nếu giá xăng, dầu và vận tải trong nước được giảm nhanh hơn và sát hơn với dầu thế giới.

“Lạm phát thấp còn đến từ kết quả thẩm thấu của một loạt chính sách: kiểm soát vĩ mô về giá tại các mặt hàng thiết yếu có tính độc quyền và nhạy cảm cao; kiểm soát hoạt động đầu cơ ngoại hối, đầu cơ vàng; khuyến khích phát triển hệ thống phân phối bán lẻ và thực hiện khuyến mãi lớn trên diện rộng...,” ông Phong nói.

Dựa trên số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội sau khi loại trừ yếu tố giá của năm 2014 ước tăng 6,5%, tiến sỹ Phạm Thế Anh nhấn mạnh, nguyên nhân dẫn đến chỉ số CPI tăng thấp như vậy không thể nói là do tổng cầu yếu.

Theo ông Thế Anh, CPI năm 2014 phá vỡ mọi quy luật trước đó là do chi phí đẩy (các chi phí đầu vào giảm từ nhiên liệu, nhiên liệu, chi phí vận chuyển...).

“Xu hướng kinh tế thế giới càng ổn định sẽ giúp hoạt động thương mại xuất khẩu của Việt Nam sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó, việc giá dầu giảm là lâu dài nên kinh tế trong nước chắc chắn sẽ được hưởng lợi. Nhìn chung mức lạm phát của năm 2015 vẫn tiếp tục ở mức thấp khoảng từ 3-4%, bên cạnh đó mức tăng trưởng GDP cũng ở mức kỳ vọng 6-6,5%,” ông Thế Anh dự báo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.