Tháng Hai, chỉ số giá tiêu dùng cả nước đã tăng 0,8% so với tháng Một và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, CPI đã tăng 0,9% so với tháng 12/2018.
Như vậy, CPI bình quân hai tháng đầu năm đã tăng 2,6% so với cùng kỳ, theo Tổng cục Thống kê công bố ngày 28/2.
[Trượt giảm, giá vàng trong nước rời xa mức đỉnh phiên đầu tuần]
Báo cáo thống kê cho biết, so với tháng trước, có 9 trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính đồng loạt tăng giá. Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 1,73%, kế đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,69% và tăng thấp nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế với 0,01%. Tuy nhiên, chỉ số giá tại nhóm giáo dục và bưu chính viễn thông lần lượt giảm 0,47% và 0,03%.
Giá thực phẩm “leo thang”
Trong tháng Một, CPI tăng nhẹ 0,1% nhờ có nguồn cung hàng hóa dồi dào chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, sang đến tháng Hai, nhu cầu tiêu dùng của người dân tiếp tục tăng cao với kỳ nghỉ lễ dài ngày.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê, Tổng cục Thống kê cho biết, nhu cầu mua sắm hàng Tết của người dân gia tăng mạnh bắt đầu từ Tết “ông Công-ông Táo” và kéo dài đến 30 Tết (ngày 4/2/2019).
Cụ thể, các mặt hàng lương thực – thực phẩm đồng loạt “leo thang,” khiến chỉ số giá của nhóm ngành hàng tăng 0,53%, trong đó phải kể đến chỉ số giá bột mì và ngũ cốc tăng 1,73%, gạo tăng 0,47%, lương thực chế biến tăng 0,53%.
Ngoài ra, giá các mặt hàng thực phẩm như như thịt lợn, thịt bò, hải sản tươi sống có mức giá tăng từ 1% đến 5%. Với mức tăng 2,13%, nhóm thực phẩm đã góp phần tăng CPI chung tới 0,48%.
Trong dịp Tết, nhu cầu của người dân sử dụng dịch vụ giao thông và nhu cầu du lịch luôn tăng đột biến. Và, khi cung không đáp ứng đủ cầu, giá cả theo lẽ thường sẽ tự động đi lên, cụ thể chỉ số dịch vụ giao thông công cộng tăng đến 4,4%, du lịch trọn gói tăng 1,6% so với tháng Một.
Vàng tăng giá mạnh trong khi tỷ giá đi xuống
Báo cáo cũng cho biết, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới và tăng 1,53% so với tháng trước,dao động quanh mức 3,65 triệu đồng/chỉ vàng SJC. Ở chiều ngược lại, việc đồng USD suy yếu cộng thêm lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào và nhu cầu về ngoại tệ đầu năm của các doanh nghiệp không cao, đã giữ cho tỷ giá khá ổn định, giá USD bình quân ở thị trường tự do quanh mức 23.260 VND/USD.
Phân tích cụ thế hơn, bà Ngọc chỉ ra, USD trên thị trường thế giới xu hướng giảm giá trị là do giới đầu tư lo ngại kinh tế Mỹ sẽ suy yếu. Trên bình diện chung, kinh tế thế giới và Mỹ sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro bất chấp nhiều tín hiệu cho thấy khả năng Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được một thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến thương mại. Thêm vào đó, Cục dự trữ liên bang Mỹ tái khẳng định quan điểm giữ lãi suất ổn định cũng khiến giá USD đi xuống.
Hiện USD đã yếu hơn so với “rổ” 6 đồng tiền chủ chốt và điều này tạo đà tăng cho giá vàng. Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao dịch ở mức 1.322,92 USD/ounce, tăng 2,02% so với tháng Một.
Ngoài ra còn có một số nguyên do khác tác động đến giá vàng cũng được bà Ngọc đưa ra, như do tần suất chứng khoán thế giới giảm điểm nhiều hơn, một số quốc gia lớn rút dần các chương trình kích thích kinh tế và những bất ổn kinh tế có dấu hiệu lớn hơn cùng các rủi ro địa chính trị gia tăng.
Như vậy, chỉ số lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) trong tháng hai, đã tăng 0,48% so với tháng trước và tăng 1,82% so cùng kỳ và khiến chỉ số giá tiêu dùng trong hai tháng đầu năm lên 1,82% so cùng kỳ.
“Tháng Hai, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do việc tăng giá lương thực, thực phẩm. Lạm phát cơ bản hai tháng đầu năm so với cùng kỳ ở mức 1,82% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định,” bà Ngọc nói./.