“Chỉ số giá tiêu dùng - CPI trong tháng 11 đã giảm 0,29% so với tháng 10 và tăng 3,46% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, CPI đã tăng 3,24% so với tháng 12 của năm 2017, tương ứng CPI bình quân mười một tháng tăng 3,59% so với cùng kỳ,” bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê, Tổng cục Thống kê cho biết.
Cụ thể so sánh với tháng trước, báo cáo từ Tổng cục Thống kê chỉ ra, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong rổ tính CPI có đến bốn nhóm hàng giảm giá, trong đó nhóm giao thông giảm mạnh nhất 1,81%, sau đến nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,64%, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,14% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,06%.
Bảy nhóm hàng còn lại tiếp tục tăng giá, trong đó nhóm may mặc, mũ nón và giầy dép tăng cao nhất 0,26% và nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng thấp nhất 0,01%.
[Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 giảm 0,29%]
Giá xăng dầu giảm 4,1%
Một số nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng giảm được bà Ngọc chỉ ra, sau hai đợt điều chỉnh (ngày 6/11 và ngày 21/11) giá mặt hàng xăng dầu đã giảm bình quân 4,1% so với tháng trước và đóng góp giảm CPI chung 0,17%.
Lý do, giá dầu Brent thế giới bình quân tháng 11 đã giảm mạnh tới 17%, riêng giá xăng Ron 92 tại thị trường Singapore còn lao dốc đến 20,02% so với tháng 10.
Theo đó, chỉ số giá của nhóm giao thông đã có mức giảm mạnh nhất trong 11 nhóm hàng chính. Tuy nhiên ở hoạt động đường sắt, giá vé tàu hỏa có xu hướng trái chiều và tăng 0,89% đối với loại vé giường nằm mềm ở một số chặng đường vào các ngày cuối tuần.
Nguyên nhân thứ hai liên quan đến mặt hàng thực phẩm. Sau thời gian “tiết giảm cung,” nguồn thịt lợn trên thị trường bắt đầu dồi dào, nhờ đó người tiêu dùng đã “tiết kiệm” được 1,3% chi phí về giá.
Bà Ngọc cho hay: “Ước tính đến tháng 11, tổng đàn lợn cả nước tăng khoảng 2,8% so với cùng thời điểm năm 2017. Ngoài ra, còn do yếu tố tâm lý của các chủ trang trại có quy mô lớn, họ lo ngại dịch tả lợn châu Phi ở Trung Quốc có nguy cơ lây nhiễm sang Việt Nam nên đã quyết bán sớm ra thị trường.”
Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết thuận lợi đã giúp cho người nông dân canh tác hoa màu được mùa, nhờ đó rau tươi cung cấp ra thị trường với sản lượng lớn và đa dạng về chủng loại, song điều này đã tác động làm giảm giá rau tươi 0,68%.
Cũng là yếu tố thời tiết, các khu vực phía Bắc thời tiết hiện đã chuyển lạnh dẫn đến nhu cầu tiêu sử dụng điện không còn cao như những tháng trước, nhờ vậy giá điện sinh hoạt giảm xuống 0,64%.
Thêm vào đó, tương đồng với mặt hàng xăng dầu, giá gas trong nước đã rẻ đi đáng kể 40.000 đồng/bình 12kg, tương ứng giảm 9,18%, bởi giá gas thế giới đã rơi tới 122,5 USD/tấn và chốt ở mức 532,5 USD/tấn.
Giá vàng và tỷ giá trái chiều
Trong tháng, USD tiếp tục giảm giá so với các đồng tiền khác do các dự báo lo ngại kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc vào năm 2019. Song tại Việt Nam, tỷ giá được duy trì khá ổn định và giảm nhẹ 0,03%. Cụ thể, tỷ giá trên thị trường tự do giao dịch quanh mức 23.371 đồng/USD.
Lý giải về điều này, bà Ngọc cho biết: “Chính sách điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với 8 đồng tiền chủ chốt tiếp tục phát huy hiệu quả. Thêm vào đó, lượng dự trữ ngoại hối hiện khá dồi dào, đủ đáp ứng nhu cầu nhập khẩu cuối năm của các doanh nghiệp.“
Tuy nhiên, trước biến động của giá vàng thế giới, trong nước giá vàng bình quân tăng 0,98% và dao động quanh mức 3.650.000đ/chỉ vàng SJC.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng lên mức 1.219 USD/ounce tăng 0,49% (tính đến 24/11). Lý do được bà Ngọc đưa ra “thị trường chứng khoán thế giới suy yếu trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về tăng trưởng toàn cầu chậm lại, lãi suất Mỹ tăng và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, vì vậy nhiều nhà đầu tư quyết định hướng tới vàng như một nơi trú ẩn an toàn.”
Với những biến động về các nhóm chỉ số giá trên thị trường như trên, nhìn chung lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) của tháng 11 đã tăng 0,11% so với tháng qua đồng thời tăng 1,72% so với cùng kỳ. Nếu tính 11 tháng của năm, lạm phát cơ bản đã tăng 1,46% so với cùng thời điểm năm trước.
Đánh giá về điều này, bà Ngọc cho rằng, lạm phát chung bình quân 11 tháng có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, phản ánh biến động giá chủ yếu là do tăng giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giáo dục.
“Mức tăng lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay so với cùng kỳ có biên độ dao động khá hẹp từ 1,18% đến 1,72%, bình quân 11 tháng lạm phát cơ bản là 1,46% thấp hơn mức kế hoạch 1,6%, cho thấy chính sách tiền tệ đã và đang được điều hành ổn định,” bà Ngọc nói./.