“Mô hình kinh tế của Việt Nam trong tương lai phải là nền kinh tế có năng lực phản ứng nhanh, chống chọi được với các cú sốc, có thể là các cú sốc về kinh tế, tài chính, dịch bệnh, hay thiên tai, và có thể linh hoạt thích ứng ngay sau đó.”
Đây là nhận định của ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, khi chia sẻ về những đánh giá và dự báo của ngân hàng đối với kinh tế Việt Nam và khu vực trong giai đoạn hậu đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Thế giới cần một mô hình kinh tế có khả năng thích ứng nhanh chóng
- Xin ông đánh giá tổng quan về những tác động của đại dịch COVID-19 đối với các nền kinh tế châu Á nói chung và đối với Việt Nam nói riêng? Theo ông, những lĩnh vực kinh tế nào sẽ chịu tác động nhiều nhất từ đại dịch?
Ông Nguyễn Minh Cường: Đại dịch gây ra bởi virus SARS-CoV-2 chưa từng có tiền lệ trong lịch sử thế giới và tác động kinh tế của đại dịch cũng chưa bao giờ nặng nề như vậy, thậm chí còn tồi tệ như giai đoạn đại khủng hoảng kinh tế năm 1930.
Theo kịch bản cơ sở trong dự báo ngày 3/4 của ADB, nếu đại dịch được kiểm soát trong quý 2 năm 2020, tăng trưởng của các nước Đông Á sẽ giảm từ mức 5,4% của năm 2019 xuống chỉ còn 2% trong năm 2020.
Tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020 dự báo là 4,8%. Đây là vẫn là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực châu Á, giữa bối cảnh kinh tế Malaysia dự đoán chỉ tăng trưởng 0,5%, Philippines tăng trưởng 2%, Indonesia tăng trưởng 2,5%, và mức tăng trưởng dự báo của Thái Lan là âm 2%.
[ADB bổ sung 13,5 tỷ USD giúp các quốc gia ứng phó với COVID-19]
Mặc dù vậy, đây là dự báo đầu tháng Tư và do tình hình đại dịch vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, các dự báo sẽ tiếp tục được cập nhật.
Có thể nói, đại dịch đã tác động mạnh đến toàn bộ nền kinh tế. Tất cả "các động mạch" của nền kinh tế từ lao động, dịch vụ, thương mại, đầu tư, tiêu dùng, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, và mạng lưới sản xuất đã bị gián đoạn hoặc đứt đoạn.
Hầu hết các lĩnh vực từ cung đến cầu đều bị tác động. Trong giai đoạn đầu của đại dịch, các ngành du lịch và vận tải chịu tác động đầu tiên và nặng nề nhất.
Tiếp theo đó, khi đại dịch lan rộng sang các nước khác, các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, và dịch vụ cũng không tránh khỏi vòng ảnh hưởng.
Số doanh nghiệp tạm rút khỏi thị trường trong quý 1 năm 2020 đã tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số người mất việc hoặc có ít việc làm cũng tăng mạnh. Đó là chưa kể những tác động đối với hơn 5 triệu kinh tế hộ gia đình và khu vực kinh tế không chính thức.
- Ông nhận định như thế nào về xu hướng phát triển trong dài hạn của một số mô hình kinh tế đang phát triển ở giai đoạn bùng nổ của đại dịch, ví dụ như các công cụ giao tiếp từ xa, thương mại điện tử, tự động hoá…? Ngoài ra, khi đại dịch qua đi, ADB dự báo thế nào về sự phục hồi của các ngành công nghiệp quan trọng và chuỗi cung ứng toàn cầu?
Ông Nguyễn Minh Cường: Trong lúc nền kinh tế thực dựa trên các mối quan hệ trực tiếp giữa người và người bị gián đoạn, thì nền kinh tế số, dựa trên các mối tương tác qua môi trường Internet, đã phát triển mạnh, đặc biệt là thương mại điện tử, dịch vụ phân phối, giáo dục, các hoạt động giao tiếp kinh doanh qua mạng, các thủ tục hành chính qua mạng, thậm chí cả dịch vụ y tế qua mạng.
Cùng với đó, nhu cầu hạn chế tiếp xúc cũng thúc đẩy quá trình tự động hóa, từ việc khử trùng trong bệnh viện đến giao hàng qua robot.
Trên thực tế, nền kinh tế số của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ ngay từ trước khi đại dịch. COVID-19 là một "cú hích" mạnh thúc đẩy kinh tế số của Việt Nam, và cũng nhờ có cơ sở hạ tầng kinh tế số tương đối tốt, "cú hích" này có thể sẽ giúp định hình sớm hơn nền kinh tế số Việt Nam trong tương lai.
Dù vậy, kinh tế số sẽ đòi hỏi những thay đổi sâu rộng trong mối quan hệ giữa khách hàng và người sản xuất, từ khuôn khổ pháp lý đến trình độ, kỹ năng, và đến cả cơ cấu của nền kinh tế. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Việt Nam đã thật sự sẵn sàng cho một nền kinh tế số sau COVID-19 hay chưa?
Ngoài ra, về dài hạn sau COVID-19 cũng cần bảo đảm rằng kinh tế số không những chỉ là động lực cho sự tăng trưởng nhanh, mà nó còn phải tạo ra nền tảng cho một sự tăng trưởng rộng khắp, bền vững, và bao trùm.
Để làm được như vậy, mối quan hệ giữa kinh tế số và kinh tế thực nên là mối quan hệ tương hỗ, hơn là mối quan hệ loại trừ. Đây cũng là bài học của một số nước đang phát triển khi quá chú trọng đến kinh tế số mà bỏ qua hoặc coi nhẹ kinh tế thực, dẫn đến sự gia tăng khoảng cách thu nhập và xã hội trong nền kinh tế.
Sau COVID-19, vấn đề quan trọng là các quốc gia phải chú trọng xây dựng một nền kinh tế không chỉ tăng trưởng nhanh, mà còn phải là nền kinh tế có thể chịu đựng được những cú sốc mạnh và sau đó thích ứng nhanh chóng với môi trường mới.
Có thể thấy những nền kinh tế mạnh như Mỹ hay châu Âu, cũng đã rất vất vả khi cú sốc COVID-19 xảy ra và làm chao đảo toàn bộ nền kinh tế. Họ có thể đủ sức mạnh kinh tế với các gói hỗ trợ khủng, nhưng không đủ sức mạnh để hạn chế các tác động xã hội quá nhanh của COVID-19.
Kể từ sau thập niên 1990 khi quá trình toàn cầu hóa bắt đầu xuất hiện, đã có những dấu hiệu báo trước các cú sốc có tính lan tỏa toàn cầu. Ví dụ khủng hoảng kinh tế tài chính châu Á năm 1997-1998 đã làm chao đảo các nền kinh tế châu Á và thế giới.
Đại dịch SARS năm 2003 tác động đến toàn bộ kinh tế châu Á. Trong khi đó, trận sóng thần năm 2005 dù chỉ xảy ra ở một số nước nhưng đã có tác động mạnh đến kinh tế cả châu lục. Năm 2012, trận lụt lịch sử ở Đông Nam Á đã làm đứt đoạn toàn bộ chuỗi sản xuất ôtô khu vực châu Á trong năm đó.
Những sự kiện trước đây và hiện nay là COVID-19, đã cho thấy điểm quan trọng của mô hình kinh tế Việt Nam trong tương lai phải là nền kinh tế có năng lực phản ứng nhanh, chống chọi được với các cú sốc, có thể là các cú sốc về kinh tế, tài chính, dịch bệnh, hay thiên tai, và có thể linh hoạt thích ứng ngay sau đó.
Những cú sốc này sẽ trở nên thường xuyên hơn do sự phụ thuộc lẫn nhau gia tăng, và do biến đổi khí hậu. Và để bảo đảm được một nền kinh tế như vậy, vấn đề tăng trưởng toàn diện, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh môi trường (nước, không khí, và đất đai), và an sinh xã hội sẽ là những yếu tố có tính quyết định.
Doanh nghiệp cần kế hoạch dự phòng với những cú sốc lớn về mọi mặt
-Để kích thích nền kinh tế trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã tung ra nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp cũng như các giải pháp để thúc đẩy đầu tư công. Ông đánh giá thế nào về các giải pháp này và có khuyến cáo gì trong việc thực hiện để mang lại hiệu quả tốt nhất tới nền kinh tế?
Ông Nguyễn Minh Cường: Các gói hỗ trợ của Chính phủ là hết sức kịp thời, ví dụ gói tín dụng hơn 300.000 tỷ VND, gói an sinh xã hội 62.000 tỷ VND, và gói giãn thuế 180.000 tỷ VND. Việt Nam không chỉ ứng phó nhanh về y tế, mà còn ứng phó rất nhanh về kinh tế. Để những gói hỗ trợ kinh tế này hiệu quả hơn, những điểm sau có thể cần cân nhắc:
Thứ nhất, thời gian thực hiện các gói hỗ trợ này phải hết sức nhanh. Để làm như vậy, các điều kiện thực hiện phải linh hoạt, không nên theo các quy trình thông thường, mà phải có quy trình và bộ máy riêng để thực hiện.
Thứ hai, ngoài vấn đề số lượng, vấn đề thời gian thực hiện cũng rất quan trọng. Đa phần các gói hỗ trợ với doanh nghiệp có thời hạn đến tháng 9 hoặc tháng 10 năm 2020. Ví dụ gói 180.000 tỷ VND - tương đương khoảng gần 3% Tổng sản phầm quốc nội (GDP) - giãn thuế cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh.
Đây là gói hỗ trợ tài khóa rất lớn và kịp thời của Việt Nam. Mặc dù vậy, thời gian chỉ là 5 tháng. Trên thực tế, nếu doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh đã mất hoặc giảm thu nhập đáng kể, thì việc giãn thuế cũng có ít ý nghĩa vì họ sẽ không có thu nhập để đóng thuế trong vòng 5 tháng. Gói giãn thuế chỉ có ý nghĩa khi họ đã bắt đầu phục hồi, có thu nhập, và việc giãn thuế sẽ tạo điều kiện cho họ phục hồi nhanh hơn và tăng trưởng vào năm 2021. Do vậy, có thể cân nhắc kéo dài thời hạn của các gói hỗ trợ này đến hết năm 2020.
Thứ ba, liên quan đến điểm thứ hai, đây là thời điểm để tăng cường chi tiêu chính phủ thông qua hỗ trợ tài khóa để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh - vốn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Vì nếu những động lực này bị ảnh hưởng, thì quá trình phục hồi kinh tế sẽ ảnh hưởng, và từ đó, ngân sách thậm chí sẽ bị tác động thậm chí còn nhiều hơn. Do vậy, các gói hỗ trợ giãn thuế đến hết năm 2020 có thể ảnh hưởng đến ngân sách năm 2020, nhưng sẽ tạo động lực tốt cho tăng trưởng trong năm 2021.
Cuối cùng, Việt Nam cần cân nhắc xây dựng một bộ máy thích hợp, ví dụ một ban tư vấn, một cơ quan đầu mối, hay thậm chí một ủy ban phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Bộ máy này sẽ không chỉ hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, mà còn tư vấn về các bước mở cửa nền kinh tế sau đại dịch trong giai đoạn trước mắt, cũng như đưa ra các khuyến nghị cải cách kinh tế trong trung hạn và dài hạn theo hướng xây dựng một mô hình kinh tế sau COVID-19, tăng trưởng bền vững và có khả năng chịu các cú sốc về thiên tai, dịch bệnh, và kinh tế tài chính.
- Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang là khu vực bị tổn thương nhiều nhất trong đại dịch COVID-19, ông có lời khuyên gì đối với doanh nghiệp Việt Nam để vượt qua khó khăn này và trong thời gian tới ADB có kế hoạch gì để giúp cho khu vực này của Việt Nam hay không?
Ông Nguyễn Minh Cường: Rất khó có thể đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp vì thông thường các doanh nghiệp bao giờ cũng nhanh nhạy hơn các chuyên gia kinh tế vì họ có cọ xát thực tế và đó là vấn đề sống còn của họ.
Các doanh nghiệp đã thực hiện các vấn đề như lên phương án bảo vệ và sử dụng lao động, cân đối tài chính, rà soát chế độ kinh doanh, chuyển đổi sản phẩm sản xuất (ví dụ sang may khẩu trang, đồ bảo hộ) trong ngắn hạn.
Ngoài ra, sau COVID-19, trong trung và dài hạn, có 3 vấn đề các doanh nghiệp có thể cân nhắc là chú trọng thêm vào thị trường nội địa; tăng cường áp dụng công nghệ tin học cho quản lý, sản xuất, tiếp thị, và phân phối; và cũng như với nền kinh tế, cần có kế hoạch dự phòng với các cú sốc lớn về dịch bệnh, kinh tế tài chính, năng lượng, biến đổi khí hậu, và thiên tai.
Để giúp các quốc gia thành viên đang phát triển đối phó với những tác động nghiêm trọng về y tế và kinh tế vĩ mô gây ra bởi COVID-19, ADB đã tăng gấp ba quy mô gói hỗ trợ ứng phó đại dịch COVID-19 và phê duyệt các biện pháp tinh giản hoạt động nhằm cung cấp hỗ trợ nhanh chóng và linh hoạt hơn.
Gói hỗ trợ này đã mở rộng thêm những nỗ lực ứng phó ban đầu trị giá 6,5 tỷ USD của ADB (được công bố ngày 18/3) bằng việc bổ sung thêm 13,5 tỷ USD và nâng tổng số tới 20 tỷ USD.
Trong gói hỗ trợ 20 tỷ USD này có khoảng 2,5 tỷ USD vốn vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại. Khoảng 2 tỷ USD từ gói hỗ trợ 20 tỷ USD sẽ được cung cấp cho khu vực tư nhân.
Những khoản vay và bảo lãnh sẽ được cung cấp cho các định chế tài chính để kích thích thương mại và các chuỗi cung ứng nhằm hỗ trợ các công ty bị ảnh hưởng bởi COVID-19 hoặc để ứng phó với đại dịch.
ADB đang tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thông qua các gói hỗ trợ COVID-19 và các khoản vay hỗ trợ khu vực tư nhân. Tuy nhiên, để tăng cường được hỗ trợ của ADB với doanh nghiệp, các thủ tục phía Việt Nam cũng cần được đơn giản hóa và thúc đẩy nhanh.
Hiện giờ, phải mất ít nhất là 6-8 tháng để hoàn thiện thủ tục với một dự án hỗ trợ doanh nghiệp. Khoảng thời gian này có thể được rút ngắn đáng kể nếu các thủ tục được cắt giảm thêm, góp phần đảm bảo tính kịp thời và hiệu quả của sự hỗ trợ từ ADB.
- Xin cảm ơn ông!