Cù Lao Dung - Tiềm năng Du lịch Xanh đang chờ khai thác của Sóc Trăng

Để phát triển du lịch xanh, trong thời gian tới, huyện Cù Lao Dung cần phát huy những sản phẩm sẵn có ở địa phương và phát huy thêm những sản phẩm chưa được khai thác, phát triển.

Du khách tham quan Khu sinh thái Cầu tre xuyên rừng ở huyện Cù Lao Dung. (Ảnh Tuấn Phi/TTXVN)
Du khách tham quan Khu sinh thái Cầu tre xuyên rừng ở huyện Cù Lao Dung. (Ảnh Tuấn Phi/TTXVN)

Cù Lao Dung (Sóc Trăng) nằm ở hạ nguồn sông Hậu, huyện tách rời đất liền, với hệ sinh thái đa dạng sở hữu nhiều di sản văn hóa của địa phương.

Huyện đang tập trung khai thác tiềm năng du lịch, đặc biệt là Du lịch Xanh trong thời gian tới.

Huyện Cù Lao Dung được thành lập năm 2002, trên cơ sở chia tách một phần từ huyện Long Phú (Sóc Trăng).

Địa bàn huyện có 8 đơn vị hành chính, nằm biệt lập hoàn toàn với đất liền với tổng diện tích tự nhiên hơn 24.500ha, trong đó, đất nông nghiệp là 15.662ha, đất phi nông nghiệp 8.733ha.

Thổ nhưỡng đất phù sa, phù sa pha cát thích hợp cho việc phát triển các loại hoa màu, cây ăn trái.

Độ màu mỡ của đất Cù Lao Dung giảm dần về phía giáp biển, do ảnh hưởng của nước mặn. hệ thống cây trồng, vật nuôi của huyện cũng thay đổi và phong phú.

Ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), cho biết huyện đã thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, giảm dần diện tích mía kém hiệu quả chuyển sang trồng các loại cây có năng suất và giá trị kinh tế cao như, dừa, nhãn, xoài... và nuôi trồng thủy sản.

Đến nay, giá trị thu nhập bình quân trên một ha diện tích sản xuất nông nghiệp đạt 175 triệu đồng/năm (tăng 2,5 lần so với năm 2010), thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 62,39 triệu đồng (tăng hơn 3,46 lần so với năm 2010).

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Huyện Cù Lao Dung Trần Văn Nguyên cho biết huyện có 30/30 trường đạt chuẩn quốc gia.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân thực hiện tốt; triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội; có hàng trăm hộ thoát nghèo mỗi năm.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 0,38%. Dự kiến đến cuối năm 2023, huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Trần Văn Nguyên cho biết thêm Đảng bộ và nhân dân huyện Cù Lao Dung đang tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện về mọi mặt để phát triển theo xu thế hội nhập.

Trong tương lai, huyện có những lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế như, năng lượng gió, Mặt Trời, kinh tế biển đảo và nhất là thế mạnh về Du lịch Xanh.

Theo Tiến Sỹ Trịnh Công Lý, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Sóc Trăng, để phát triển du lịch xanh, trong thời gian tới, huyện Cù Lao Dung cần phát huy những sản phẩm sẵn có ở địa phương và phát huy thêm những sản phẩm chưa được khai thác, phát triển; những sản phẩm du lịch đặc thù.

Ông Lý đề xuất Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện rà soát quy hoạch và kêu gọi nhà đầu tư về Du lịch Xanh tại địa phương nhằm phát huy lợi thế và tiềm năng của huyện trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Thành, Quận Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết về với huyện Cù Lao Dung với khí hậu ôn hòa, quanh năm môi trường tự nhiên trong lành rất phù hợp cho nghỉ dưỡng.

Đặc biệt, đến Cù Lao Dung du khách còn được tham quan nhiều mô hình sinh thái dưới tán rừng ngập mặn rất thú vị.

Nếu được khai thác tốt, Cù Lao Dung sẽ là điểm du lịch nghỉ dưỡng, thư giãn rất tốt cho du khách trong và ngoài nước./.

(TTXVN/Vietnam+)
Link bài gốcCopy link
null

Tin cùng chuyên mục