Từ 20/7, Cuba sẽ bãi bỏ mức thuế 10% đối với việc sử dụng đồng USD, cũng như mở rộng danh sách mặt hàng được phép thanh toán bằng đơn vị tiền tệ này, trong nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và lệnh cấm vận hiện hành của Washington.
Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Kinh tế Cuba Alejandro Gil cho biết nước này sẽ dỡ bỏ mức thuế nói trên bất chấp sự phản đối và biện pháp cấm vận ngày một khắc nghiệt của Mỹ.
Theo ông, ngành du lịch, vốn được xem trụ cột chính của nền kinh tế Cuba, đã bị tê liệt trong bốn tháng qua do các biện pháp hạn chế đi lại nhằm khống chế đà lây lan của virus SARS-CoV-2, và quốc đảo này cần đưa ra các biện pháp điều chỉnh phù hợp để ứng phó với tình huống "ngoài ý muốn."
Tại Cuba, việc sử dụng đồng USD đã bị áp đặt một mức thuế kể từ năm 2004. Chính phủ Cuba giải thích cho động thái này bằng cách chỉ ra sự khó khăn trong khâu quản lý đơn vị tiền tệ của Mỹ khi đối mặt với các biện pháp trừng phạt.
Trước tình trạng thiếu hụt tiền mặt trong bối cảnh Mỹ tiếp tục siết chặt cấm vận và khả năng phục hồi kinh tế của nước này đang bị chững lại, từ năm 2019, Cuba đã bắt đầu cho phép người dân mua các thiết bị gia dụng và ô tô bằng đồng USD thông qua thẻ ngân hàng.
[Chính phủ Cuba tiếp tục "USD hóa" một phần nền kinh tế]
Bất chấp nhu cầu sử dụng đồng USD tăng cao, các khách hàng phải đặt cọc một khoản tiền, thường qua chuyển khoản, cho một ngân hàng trước khi được sử dụng chúng. Theo đó, với 1 USD đặt cọc, khách hàng sẽ chỉ nhận về 90 cent vào thẻ của mình.
Với việc mức thuế trên được dỡ bỏ từ ngày 20/7, nhu cầu tiêu thụ đồng USD có thể sẽ còn tăng mạnh hơn.
Chuyên gia kinh tế Omar Everleny Perez cho rằng đây là biện pháp "công bằng và hợp lý" của Chính phủ Cuba, đồng thời khẳng định nước này cần một loại tiền tệ được sử dụng để hỗ trợ các cửa hàng.
Luật mới sẽ cho phép một số hàng hóa thiết yếu cao cấp nhất định và sản phẩm vệ sinh được mua bằng đồng USD ở một số cửa hàng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa rõ cửa hàng nào được áp dụng hình thức thanh toán này.
Theo chuyên gia Perez, có một số cửa hàng ở Cuba đủ khả năng tài chính để thực hiện theo hình thức nói trên, tạo thành một phân khúc riêng trong thị trường nước này. Bên cạnh đó, việc thanh toán hàng hóa thiết yếu bằng cả hai đơn vị tiền tệ của Cuba, trong đó 1 CUC tương đương 1 USD và 24 CUP tương đương 1 USD, vẫn sẽ được tiếp tục.
Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh (CEPAL) dự đoán tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Cuba sẽ giảm 8% trong năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19./.