Cục Đường thủy lên tiếng về phí hạ tầng cảng biển ở TP.HCM, Hải Phòng

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, việc Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa được vận tải bằng đường thủy là không đúng đối tượng.
Hàng hóa được thông qua Cảng quốc tế Hải Phòng. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Ngày 22/6, lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho hay sau khi nhận 4 văn bản của các hiệp hội doanh nghiệp đường thủy phản ánh một số nội dung liên quan đến việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải đường thủy của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, đơn vị đã có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải và công văn gửi Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến vấn đề trên.

Cụ thể về phản ánh thu phí đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa chưa đúng đối tượng, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có ý kiến như sau: Hàng hóa được vận tải bằng đường thủy chỉ sử dụng các tuyến đường thủy tự nhiên, hàng hải kết nối đến cảng biển (chủ yếu do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo điều kiện hoạt động) và hệ thống cầu, bến trong cảng biển (chủ yếu do doanh nghiệp cảng biển đầu tư, đảm bảo điều kiện hoạt động), không sử dụng hạ tầng của địa phương kết nối với cảng biển (như hệ thống cầu, các tuyến đường bộ, cầu vượt tại các nút giao thông do địa phương quản lý, đảm bảo điều kiện hoạt động.

Theo quy định tại Điều 3 và Điều 8 của Luật Phí và Lệ phí, phí là khoản tiền mà tổ chức cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công. Mức thu phí được xác định theo nguyên tắc bù đắp chi phí, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ công dân.

Mặt khác, tại điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư 85/2019/TT-BTC ngày 29/11/2019 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy định, phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển là khoản thu đối với các đối tượng sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu để bù đắp chi phí duy tu, bảo dưỡng, duy trì điều kiện phục vụ hoặc tái tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật-xã hội, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu.

Căn cứ vào thực tiễn vận tải thủy và các quy định pháp luật hiện hành trên, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nhận thấy việc Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hải Phòng thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa được vận tải bằng đường thủy là không đúng đối tượng.

Đối với phản ánh việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển khu vực Thành phố Hồ Chí Minh chưa tuân thủ Điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam là thành viên (Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia về vận tải thủy ký năm 2009), đại diện Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho hay tại cuộc họp song phương thường niên giữa hai Nhóm tạo thuận lợi Hiệp định quốc gia ngày 20/12/2021, Thường trực Hiệp định phía Campuchia đã nêu rất rõ quan điểm về việc Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng loại phí thuộc thẩm quyền địa phương (phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển của thành phố) nhưng không loại trừ các đối tượng tham gia hoạt động trên tuyến vận tải thuỷ đã được cam kết đãi ngộ tối huệ quốc của hai Chính phủ là vi phạm quy định tại Điều 23 của Hiệp định.

Lý do phía Campuchia đưa ra là mọi loại phí và thuế liên quan đến các đối tượng tham gia trên tuyến vận tải đường thuỷ này đã được liệt kê đầy đủ tại Điều 23 của Hiệp định.

Hai bên đã cam kết không áp dụng thêm bất kỳ khoản phí, lệ phí nào, tại bất cứ địa phương nào nằm trên tuyến Hiệp định và phí chỉ được thực hiện đối với những dịch vụ mà phương tiện được cung cấp sử dụng.

Phía Campuchia cho rằng nếu các địa phương nằm trong phạm vi tuyến bên Campuchia khi ban hành một loại phí cấp địa phương nào đó phù hợp với Luật định của Campuchia, tuy nhiên lại không tuân thủ cam kết Chính phủ theo Hiệp định, áp dụng không loại trừ với các đối tượng trong phạm vi tuyến Hiệp định này thì Chính phủ Việt Nam có chấp thuận hay không và khi đó Hiệp định với những cam kết đãi ngộ tối huệ quốc giữa hai bên sẽ không còn hiệu lực.

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, tuyến vận tải thủy Việt Nam-Campuchia được kết nối qua 2 cặp cửa khẩu quốc tế Thường Phước-Kok Rohka và Vĩnh Xương-Caom Samnor. Tuyến đường thủy nội địa này còn là tuyến quá cảnh nhằm trung chuyển hàng hóa từ các khu vực cảng biển phía Nam như cảng Sài Gòn, cụm cảng nước sâu Thị Vải-Cái Mép giữa Việt Nam-Campuchia.

(Ảnh minh họa: Mạnh Dương/TTXVN)

“Chỉ riêng sản lượng hàng hóa quá cảnh qua các tuyến năm 2019 gần 5 triệu tấn, đạt mức 300.000 TEU với đà tăng trưởng hàng năm là 19-20%. Do vậy, các tuyến vận tải thủy được thiết lập theo Hiệp định đã trở thành một trong những tuyến giao thông huyết mạch quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị," lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết.

Với căn cứ trên, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề nghị Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, nghiên cứu phương án để bổ sung quy định miễn trừ việc thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa được vận chuyển bằng đường thủy, hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu bằng đường thủy trên tuyến đường thủy của Hiệp định về Vận tải thủy giữa hai Chính phủ Việt Nam-Campuchia ký ngày 17/12/2009.

Đồng thời, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giảm trừ tối đa có thể mức phí quy định đối với hàng hóa được vận tải bằng đường thủy, không sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ kết nối cảng biển của thành phố để khuyến khích sự phát triển vận tải hàng hoá bằng đường thuỷ, góp phần giảm tải áp lực hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt tuyến kết nối với cảng biển của thành phố.

Đánh giá chung về việc thu phí hạ tầng khu vực cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy tại thành phố Hải Phòng kể từ năm 2017 đến nay và Tp. Hồ Chí Minh (kể từ 1/4/2022), lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho rằng việc này đã làm giảm tính cạnh tranh của vận tải đường thủy nội địa, cản trở hàng hóa dịch chuyển từ đường bộ xuống đường thủy để giảm áp lực cho hệ thống đường bộ, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và giảm ô nhiễm môi trường.

[Xem xét điều chỉnh phí hạ tầng cảng biển trong tháng 7/2022]

Ngoài ra, việc thu phí chưa tuân thủ Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đã ảnh hưởng không tốt tới mối quan hệ hữu nghị, hợp tác và hình ảnh của Việt Nam trong thực hiện các cam kết trên trường quốc tế.

Để kịp thời tháo gỡ các bất cập nêu trên, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét tiếp tục có ý kiến với Bộ Tài chính, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng và các cơ quan liên quan để giải quyết việc thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa đảm bảo thu phí đúng đối tượng, công bằng, công khai và tuân thủ quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…

Trước đó, các hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến đường thủy (gồm Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam, Hiệp hội Đại lý, môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam và Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam) đã phản ánh việc thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh còn một số bất cập cần xem xét.

Cụ thể, các hiệp hội cho rằng việc thu phí này là không đúng đối tượng; chưa phù hợp với tinh thần của Hiệp định tạo thuận lợi vận tải đường thủy giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Camphuchia; việc thu phí này làm gia tăng chi phí vận tải đường thủy, giá thành phẩm từ đó làm giảm cạnh tranh của hệ thống logistics khi mà các cảng biển khu vực Thành phố Hồ Chí Minh thông quan tới 80% lượng hàng hóa vận chuyển bằng container trong cả nước.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục