Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển vẫn tăng trưởng thấp

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, mức độ tăng trưởng chậm của hàng hóa qua cảng do nhiều yếu tố, trong đó nguyên nhân chính là hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp chưa thực sự phục hồi.
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển vẫn tăng trưởng thấp ảnh 1Container chứa hàng hóa tại Tân Cảng Cát Lái. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Cục Hàng Hải Việt Nam vừa công bố khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 4 tháng đầu năm 2022. Theo đó, sản lượng đạt gần 241 triệu tấn không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, hàng xuất khẩu đạt 61,95 triệu tấn, tăng 2%; hàng nhập khẩu đạt 67,49 triệu tấn, giảm 9%; hàng nội địa đạt 110,99 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng khối lượng hàng hóa container thông qua cảng biển 4 tháng đầu năm đạt 8,301 triệu Teus, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá lãnh đạo của Cục Hàng hải Việt Nam, 2% là mức tăng trưởng thấp nhất so với vài năm trở lại đây mặc dù Việt Nam đã bước sang tình hình mới sau dịch COVID-19. Đặc biệt, hàng hóa nhập khẩu đã giảm 9% so với cùng kỳ.

[Hơn 236 triệu tấn hàng hóa qua cảng biển trong 4 tháng]

Nhiều khu vực có khối lượng hàng hóa thông qua giảm mạnh như Bình Thuận giảm 28% (từ 5,5 triệu tấn xuống 3,77 triệu tấn), khu vực Cần Thơ giảm 25% (từ 5,37 triệu tấn xuống còn 4 triệu tấn), Kiên Giang giảm 12% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, những khu vực cảng biển lớn như Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng đều ghi nhận mức giảm từ 0,5-4% so với cùng kỳ. Trong đó, cảng tại Hải Phòng đạt 30,9 triệu tấn, giảm 0,5%; Thành phố Hồ Chí Minh đạt 53,09 triệu tấn, giảm 2,8%; Vũng Tàu đạt 36,46 triệu tấn, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021.

Về lượt tàu thông qua cảng biển trong 4 tháng đầu năm, có 6.222 lượt tàu ngoại đạt, giảm 27% và có 18.081 lượt tàu nội, giảm 15% so với cùng kỳ 2021.

Đại diện lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, mức độ tăng trưởng chậm của hàng hóa qua cảng do nhiều yếu tố; trong đó nguyên nhân chính là hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu thời gian qua của các doanh nghiệp trong nước chưa thực sự phục hồi.

Ngoài ra, chính sách Zero COVID của Trung Quốc-thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam cũng gây ảnh hướng ít nhiều tới các doanh nghiệp tham gia thị trường này; trong đó có các doanh nghiệp vận tải biển. Còn công suất của các cảng biển và vận tải biển vẫn hoạt động tăng cường và tích cực.

Trong 5 tháng đầu năm, tính sơ bộ đến thời điểm hiện tại, sản lượng hàng hóa ước đạt là 304,217 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, hàng container ước đạt 10,48 triệu Teus, tăng 1% so với cùng kỳ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.