Cung cấp thiết bị cho Nga, 7 công ty Trung Quốc có thể bị trừng phạt

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh Trung Quốc sẽ bảo vệ lợi ích của mình trong trường hợp EU quyết định áp đặt trừng phạt 7 công ty công nghệ vì cung cấp thiết bị cho Nga.
Cung cấp thiết bị cho Nga, 7 công ty Trung Quốc có thể bị trừng phạt ảnh 1Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Trung Quốc sẽ bảo vệ lợi ích của mình trong trường hợp Liên minh châu Âu (EU) quyết định áp đặt trừng phạt 7 công ty công nghệ Trung Quốc vì cung cấp thiết bị cho Nga.

Đây là tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tại cuộc họp báo ngày 8/5.

Theo hãng tin TASS của Nga, trả lời yêu cầu bình luận thông tin về 7 công ty Trung Quốc có thể bị EU trừng phạt do cung cấp thiết bị cho Nga, ông Uông Văn Bân nêu rõ: " Nếu thông tin trên các phương tiện truyền thông này là đúng sự thật, hành động như vậy của phía châu Âu sẽ làm suy yếu nghiêm trọng lòng tin và hợp tác giữa EU và Trung Quốc. EU không nên phạm sai lầm, nếu không Bắc Kinh sẽ buộc phải kiên quyết bảo vệ quyền hợp pháp của mình."

[Trung Quốc sẵn sàng phối hợp đưa quan hệ với EU "trở lại đúng đường"]

Quan chức ngoại giao Trung Quốc nêu rõ Bắc Kinh phản đối phương Tây lợi dụng các vấn đề hợp tác Trung-Nga làm cái cớ để gây áp lực.

Ông nhấn mạnh hợp tác giữa Trung Quốc và Nga không nhằm chống lại bên thứ 3 và hai nước không chấp nhận sự can thiệp hoặc đe dọa.

Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra sau khi ngày 7/5, tờ Financial Times của Anh đưa tin EU đề xuất các biện pháp trừng phạt 7 công ty Trung Quốc với cáo buộc cung cấp thiết bị kỹ thuật cho Nga.

Sự việc diễn ra trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc-EU đang nồng ấm trở lại sau chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định chuyến thăm của ông Macron và bà von der Leyen cho thấy mong muốn tích cực của Liên minh châu Âu (EU) tăng cường quan hệ với Trung Quốc và tăng cường lợi ích chung Trung Quốc-EU.

Theo ông, trong bối cảnh thế giới phức tạp vì xung đột tại Ukraine, đà phục hồi mong manh của kinh tế toàn cầu, các thị trường tài chính bấp bênh và những khó khăn mà các nước đang phát triển phải đối mặt, Trung Quốc và EU cần cam kết đối thoại và hợp tác, duy trì hòa bình và ổn định thế giới, tăng cường phát triển và thịnh vượng chung, thúc đẩy tiến bộ nhân loại và cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu.

Nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-EU, ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với EU để đưa quan hệ Trung Quốc-EU trở lại đúng đường, nối lại các trao đổi ở mọi cấp độ, "hồi sinh" hợp tác đôi bên cùng có lợi trong mọi lĩnh vực và vượt qua những thách thức và rối loạn, tạo đà mới cho quan hệ song phương cũng như hòa bình, ổn định và thịnh vượng toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.