Diễn biến thị trường rất nhanh, do vậy định hướng lực lượng quản lý thị trường trong năm 2023 cần thay đổi phương thức làm việc, bất kể lúc nào cũng thực sự là đơn vị nắm được đúng thực tiễn thị trường để tham mưu cho bộ trong quá trình xây dựng chính sách và phản ứng ngày càng nhanh hơn, đặc biệt là cấp cơ sở, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu...
Đây là yêu cầu của ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành, tổ chức chiều 5/1, tại Hà Nội.
Đường đi của hàng giả, hàng lậu chuyển hướng
Theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, trong các tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong thời điểm đó, nhu cầu về thiết bị y tế và các loại thuốc chữa trị COVID tăng cao dẫn đến các hành vi vi phạm liên quan đến mặt hàng này diễn biến phức tạp.
['Nóng' hàng giả cuối năm: Nắm chắc tình hình để ứng phó kịp thời]
Qua kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện các loại thuốc và các mặt hàng thiết bị y tế như que test, khẩu trang, máy đo SPO2... hầu hết không có hóa đơn chứng từ, không có đăng ký lưu hành được bán tràn lan trên thị trường và các website thương mại điện tử, mạng xã hội với nhiều mức giá khác nhau và không kiểm soát được chất lượng.
Đáng chú ý, trong năm 2022, cung đường vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thay đổi, chuyển hướng và lắt léo hơn.
Thông tin thêm, Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục phòng chống ma túy, Bộ đội Biên phòng cho rằng do phía Trung Quốc đã xây dựng tường rào và kiểm soát chặt khu vực biên giới nên tình trạng hàng lậu vận chuyển qua đường mòn, lối mở, khu vực đồi núi giáp biên ở các tỉnh phía Bắc hầu như không có. Thay vào đó, hàng lậu, hàng giả chuyển hướng đi theo các cửa khẩu tại miền Trung, Tây Nam Bộ, thậm chí còn vận chuyển ngược ra phía Bắc.
Trong khi đó, tuyến biên giới Tây Nam, do đặc thù sông nước và thuận lợi nên các đối tượng buôn lậu thường đẩy mạnh vận chuyển qua biên giới, trong đó hàng hóa được chia nhỏ lẻ gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Còn trên tuyến biển, nhiều đối tượng thành lập công ty ma từ nội địa sau đó lợi dụng vấn đề thông thoáng trong quản lý rủi ro, chính sách thuế để nhập hàng cấm hoặc hàng kê khai sai để trốn thuế, thẩm lậu vào Việt Nam.
“Quy luật từ trước cho thấy, để buôn lậu từ nội địa qua biên giới đều có sự câu kết nhiều đối tượng, do đó cần có sự phối hợp trên biên giới và nội địa mới đánh được các đối tượng cầm đầu và giải quyết được căn cơ vấn đề này,” Đại tá Nguyễn Văn Hiệp nhấn mạnh.
Nâng cao chất lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường
Thực tế cho thấy, sau 4 năm thực hiện mô hình Tổng cục, công tác của lực lượng đã có nhiều thay đổi. Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Quản lý thị trường, với tỷ lệ của năm 2022 lên tới 98%, chứng tỏ công tác thẩm tra, xác minh tốt, làm tăng chất lượng kiểm tra.
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ vẫn được duy trì, từ mặt hàng xăng dầu, kinh doanh có điều kiện sát với thực tiễn của doanh nghiệp. Cùng đó, mặt hàng kiểm tra cũng rất đa dạng, đặc biệt gần như các mặt hàng phục vụ nhu cầu người dân, tiêu dùng có nhu cầu mua sắm đều kiểm tra, như sắt thép, đồ ăn, thức uống, thực phẩm, hóa chất.
Tuy vậy, ông Linh cũng thừa nhận một số địa bàn chưa được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt tại những thời điểm biến động vừa qua của mặt hàng xăng dầu cho thấy vẫn còn lúng túng, việc phản ứng chưa nhanh.
Thêm vào đó, trong quá trình thực thi công vụ vẫn còn có một số cán bộ công chức vi phạm nội quy công vụ, từ đó ảnh hưởng tới uy tín của lực lượng, việc xây dựng kế hoạch kiểm tra chưa sát, việc phối hợp với công an, biên phòng, thanh tra chuyên ngành chưa tốt…
Nguyên nhân chủ quan do trách nhiệm của cán bộ người đứng đầu chưa thông suốt, công tác quản lý địa bàn do lực lượng mỏng và số lượng cơ sở kinh doanh rất lớn nên còn sai sót xảy ra. Đặc biệt, pháp luật vẫn còn chồng chéo, gây khó cho cán bộ trong quá trình thực thi, chưa kể lực lượng mỏng, biên chế ít (có Đội phụ trách từ 3-4 huyện, bán kính 200 km và một kiểm soát viên phụ trách hàng nghìn cơ sở kinh doanh).
Do đó, bước sang năm 2023, ông đề nghị lực lượng siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Cùng đó, triển khai 3 đề án của Bộ Công Thương trình Chính phủ về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên Internet, đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành ở các ngành kinh doanh có điều kiện (xăng dầu, hóa chất…), tiếp tục giới thiệu, bổ nhiệm, điều động luân chuyển cán bộ không phải người địa phương, địa bàn nóng, phức tạp.
Tại cuộc họp, ông Lê Thanh Hải, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đánh giá cao kết quả đạt được của toàn lực lượng trong năm vừa qua đồng thời nhấn mạnh sự phối hợp giữa các lực lượng để nâng cao hơn nữa chất lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Ông cũng lưu ý, những vướng mắc về văn bản pháp luật, Tổng cục Quản lý thị trường cần kiến nghị qua Bộ Công Thương và Văn phòng thường trực 389 để tập hợp trình cơ quan chức năng sửa đổi, nhằm sát thực tiễn.
Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm và đạo đức công vụ để xây dựng đội ngũ công chức Quản lý thị trường thật sự có bản lĩnh, năng lực chuyên môn, liêm chính, trong sạch.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng lưu ý lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền địa phương và chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các lực lượng trên địa bàn (Công an, Hải quan, Biên phòng) để nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ.../.
Năm 2022, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành thanh, kiểm tra 70.902 vụ, phát hiện, xử lý 43.989 vụ vi phạm (tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021); chuyển cơ quan điều tra 127 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Thu nộp ngân sách trên 490 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021). Trị giá hàng tịch thu gần 96 tỷ đồng, trị giá hàng hóa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hơn 19 tỷ đồng. |