Cùng ở nhà “phá cỗ tranh” trong dịp Trung Thu mùa COVID-19

Cỗ này là cỗ tranh, cỗ nghệ thuật, cỗ của cái đẹp. Phá cỗ tranh là sự chia sẻ tác phẩm mới nhất của họa sĩ G39 gửi đến nhau, đến những người yêu cái đẹp, yêu hội họa trong Tết Đoàn viên đặc biệt 2021.
Triển lãm "Phá cỗ tranh" (Ảnh: Phòng tranh 39)

Nhân dịp Trung Thu 2021, phòng tranh 39 Lý Quốc Sư và các họa sỹ của Nhóm 39 (G39) tổ chức “Phá cỗ tranh.”

Đây là cuộc triển lãm trực tuyến kéo dài 10 ngày, khai mạc lúc 10 giờ ngày 20/9, trên trang Facebook Phòng tranh 39.

Sẽ có 17 họa sỹ với hơn 30 tác phẩm đều là tranh mới vẽ về đề tài Trung Thu, xuất hiện trên các chất liệu sơn dầu, acrylic, khắc thạch cao, giấy dó, bột mầu trên báo cũ.

Các tác giả đều là những cái tên quen thuộc của Phòng tranh 39 gồm các họa sỹ Lê Thiết Cương, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Minh Hiếu, Tào Linh, Nguyễn Quốc Thắng, Ngô Thị Bình Nhi, Nguyễn Hồng Phương, Võ Lương Nhi, Vương Linh, Nguyễn Minh, Phạm Trần Quân,Trần Giang Nam (Bắc Cạn).

[Photo: Phố Hàng Mã rực rỡ sắc màu trong Tết Trung Thu 2020]

Đặc biệt sẽ có sự tham gia của 5 họa sỹ nhí (đều dưới 14 tuổi): Nguyễn Hân Dy (10 tuổi), Nguyễn Quốc Hùng ( Dím 13 tuổi), Nguyễn Vương Bảo Hân (Mì 4 tuổi), Nguyễn Vương Bảo Trân (Mầm 7 tuổi) và Lê Trâm Anh ( Mu Mu 13 tuổi).

Triển lãm bắt đầu từ sáng ngày 20/09 đến 30/09 trên facebook của phòng tranh Lyquocsu và Page/insta 39 Concept

Vì sao lại Phá cỗ Tranh?

Phá cỗ tranh hay Phá cỗ mùa Trăng khởi từ những cuộc gọi, thư từ hỏi thăm nhau của các họa sỹ Nhóm 39.

Theo thông lệ từ vài năm trở lại đây cứ đến cữ trước rằm tháng bảy là Nhóm 39 lại lên ý tưởng cho một sự kiện nghệ thuật dịp Trung thu nhưng vì dịch dã, gặp nhau còn chả được huống hồ là “bầy cho đời cuộc vui?”

Vậy là, ai vẫn ở nhà người nấy, làm việc ở xưởng của người ấy... nhưng nghệ thuật thì luôn ở cùng với tất cả mọi người. Các họa sĩ vẫn vẽ, không bầy tranh trong phòng triển lãm được thì bầy trên mạng. Và thế là họ mang cả phố Hàng Mã về nhà, đưa hết các cụ sư tử, tôm, cá, ông tiến sỹ giấy lên mạng. 

Năm nay, Trung Thu khác với mọi năm bởi dịch bệnh. Không có trẻ em tụ tập phá cỗ, không có rước đèn ông sao được cô giáo phát từ trên lớp đem về nhà, không có đi mua đồ chơi hay “lượn” phố Hàng Mã đông nghịt người...

Với họa sỹ Nhóm 39, Trung Thu năm nay cũng khác nhiều... Song, Trung thu tức là Tết, là sum vầy, và điểm chung của các họa sĩ G39 đó là họ đều sum vầy để cùng sáng tạo nghệ thuật với gia đình - chất xúc tác đặc sắc của những dịp sum vầy truyền thống của dân tộc.

Mỗi họa sỹ với những tác phẩm mới vẽ trong mùa Trung thu vô cùng đặc biệt do giãn cách vì dịch bệnh đã cùng nhau “sum vầy” cho dù chỉ là trên nền internet. 

Trung thu thì phải có cỗ, được phá cỗ. Tất nhiên đây là cỗ tranh, cỗ tinh thần như cỗ “câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo” của Tết Nguyên Đán vậy.

Trong các loại cỗ bàn của người Việt, chỉ mỗi cỗ trung thu là phá cỗ chứ không phải ăn cỗ.

Cỗ này là cỗ tranh, cỗ nghệ thuật, cỗ của cái đẹp. Phá cỗ tranh là chia sẻ, chia sẻ những bức tranh mới nhất vẽ về trung thu với bạn bè đồng nghiệp, với những người yêu cái đẹp, yêu hội họa.

Dịch bệnh không thể ngăn cản nghệ thuật và sự  sáng tạo

Để mở rộng sự lan tỏa, Nhóm 39 cũng đã tìm ra những không gian mới cho các tác phẩm của mình, và một trong đó là đưa G39 lên instagram vào đúng dịp Trung Thu này với tên 39 Concept (Instagram và Facebook).

39 Concept (Instagram và Facebook Page): Không gian cập nhật và giới thiệu toàn bộ tác phẩm nghệ thuật, dự án và triển lãm của G39. 

Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, đây là một không gian riêng cập nhật và giới thiệu toàn bộ tác phẩm nghệ thuật, dự án và triển lãm của G39, để những người yêu mến nghệ thuật nói chung và G39 nói riêng có thể dễ dàng theo dõi và không bỏ lỡ bất cứ tác phẩm nào.

Tác phẩm đầu tiên sẽ được "lên sóng" vào ngày 20/9/2021 tại các địa chỉ: https://www.instagram.com/39concept và: https://www.facebook.com/39conceptTM

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ-họa sỹ Nguyễn Quang Thiều cũng giãn cách cùng các cháu tại làng Chùa (Ứng Hòa, Hà Nội). Năm nay không có chợ Trung thu để rước đèn ông sao, ông loay hoay tự mình làm đèn ông sao cho các cháu.

Trong khi đó, họa sỹ Phạm Trần Quân tận dụng những miếng bìa thùng hàng để vẽ mặt nạ cho con. Họa sỹ Bình Nhi thì không làm hộ mà hướng dẫn con làm mặt nạ. Nữ họa sỹ Hồng Phương thì xin cho cháu ngoại được cùng tham gia triển lãm, phá cỗ tranh sẽ có cả tác phẩm của bà và cháu...

Trên trang cá nhân của mình, họa sĩ Lê Thiết Cương bật mí, anh tham gia bức tranh mang tên Trung thu phố, sau khi xem tranh, nhạc sĩ nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đã tức tranh sinh tình bằng các câu thơ: "Phố bay lên trăng/ sao sáng trong người/ sư tử khơi vơi.”

“Có không khí sum vầy nào ấm áp hơn thế,” Phòng tranh 39 nhắn gửi, “Trung thu tức là Tết, là sum vầy, mỗi họa sỹ, mấy bức mới vẽ về mùa Trung thu cùng nhau sum vầy dù chỉ là trên nền tảng internet.”

Đúng như tinh thần Trung Thu, khán giả xem triển lãm sẽ được “phá cỗ tranh” - cỗ của tinh thần, của nghệ thuật để cùng chia sẻ cái đẹp với người yêu hội họa, yêu cuộc sống.

Một số tác phẩm sẽ xuất hiện trong triển lãm:

Tác phẩm: :Trung thu phố" chất liệu bột mầu trên vải màn bồi trên giấy dó/2021 của họa sĩ Lê Thiết Cương.

Tác phẩm của nhà văn, họa sĩ Nguyễn Quang Thiều
Tác phẩm: "Cả nhà đón Trăng" của Nguyễn Hân Dy
Tác phẩm "Mặt nạ Đời." Kích thước: 50-50/2021 (Chất liệu Tổng hợp) của họa sĩ Nguyễn Hồng Phượng
Tác phẩm: "Trăng Thu của Em" của họa sĩ nhí Nguyễn Hân Dy ( 10 tuổi ) vẽ tặng bà ngoại là họa sĩ Nguyễn Hồng Phượng
Tranh của Tào Linh. (Ảnh: Phòng tranh 39)
Tranh Ngô Bình Nhi. (Ảnh: Phòng tranh 39)
Tranh Võ Lương Nhi. (Ảnh: Phòng tranh 39)
Tranh của Nguyễn Minh Hiếu. (Ảnh: Phòng tranh 39)
Phạm Trần Quân. (Ảnh: Phòng tranh 39)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục