Cung thép vẫn vượt cầu, hàng tồn kho tăng hai tháng đầu năm

Một trong những nguyên nhân của tình trạng cung thép vượt cầu, hàng tồn kho tăng là do tiêu thụ chậm, việc sản xuất thép trong nước đang gặp nhiều khó khăn.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, sức tiêu thụ mặt hàng thép trong 2 tháng đầu năm 2014 chỉ đạt hơn 300.000 tấn, giảm 30,3% so với cùng kỳ năm trước. Tồn kho 2 tháng cũng tăng 39,9% so với cùng kỳ 2013.

Một trong những nguyên nhân của thực tế này, theo ông Lê Phú Hưng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (Vinasteel), là do sức mua thấp nên việc sản xuất và tiêu thụ thép trong nước đang gặp nhiều khó khăn.

Dù là đơn vị dẫn đầu ngành thép, chiếm hơn 40% thị phần, nhưng Tổng Cty Thép Việt Nam hai năm liên tiếp thua lỗ. Theo ông Hưng, doanh thu của Tổng công ty 2 tháng đầu năm đạt 7.225 tỷ đồng, chỉ bằng 14,2% kế hoạch năm.

Bộ Công Thương cũng cho biết, do nguồn cung trong nước lớn hơn nhu cầu thị trường nên nhiều doanh nghiệp không thể tăng giá bán để ổn định sản xuất và giữ khách hàng.

Dự báo năm 2014, tổng tiêu thụ thép chỉ đạt 12,2-12,5 triệu tấn, tăng vỏn vẹn từ 3-5% so với năm 2013.

Trong tháng Hai, sản lượng sắt, thép thô sản xuất ước đạt 125,9 nghìn tấn, bằng 80,1% so với tháng trước (bằng 95% so với cùng kỳ năm trước); thép cán ước đạt 213,8 nghìn tấn, bằng 79,5% so với tháng trước; thép thanh, thép góc ước đạt 196,6 nghìn tấn, bằng 84,0% so với tháng trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm, sản xuất thép đạt 313 nghìn tấn, giảm 23% so với cùng kỳ 2013.

Liên quan đến hoạt động đầu tư của nghành thép, tại buổi giao ban do Bộ Công Thương tổ chức sáng 3/3, Thứ trưởng Lê Dương Quang đã yêu cầu Tổng công ty Thép tập trung chỉ đạo nhà máy Gang thép Thái Nguyên đi vào vận hành đúng tiến độ.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty Thép cần đẩy nhanh việc tái cơ cấu Tổng công ty mẹ, nhằm cắt giảm chi phí trung gian giúp việc làm ăn có hiệu quả.

"Tổng công ty Thép phải tính chuyện năng lực các tổng thầu EPC, nếu không đáp ứng được sẽ phải thay đổi và tập trung vào tái cơ cấu các doanh nghiệp," Thứ trưởng nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.