Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước; một số địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh đang siết chặt giãn cách xã hội theo phương thức “ai ở đâu ở yên đó” và thành phố Hà Nội thực hiện phân vùng để kiểm soát dịch từ 6/9 vừa qua.
Qua thực tế, tình hình cung ứng, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa hiện đang được đảm bảo với giá cả ổn định. Nhiều vướng mắc, bất cập trong quá trình cung ứng, lưu thông hàng hóa chưa từng có tiền lệ đã được các ngành, địa phương thay đổi phù hợp với tình hình thực tế.
Khắc phục lúng túng ban đầu
Những ngày cuối tháng Tám vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó.” Vào thời điểm này nhiều điểm bán lẻ đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh; địa phương phối hợp với lực lượng chức năng như Quân đội, Công an đảm bảo phương thức phân phối hàng hóa, thực phẩm thiết yếu đến người dân theo hình thức “đi chợ hộ.” Tuy nhiên, đối với kênh bán hàng online, nhiều nhà bán lẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh lúng túng khi không thể nhận đơn hàng vì thiếu hụt đội ngũ vận chuyển, giao nhận đến người tiêu dùng.
Với phương thức “đi chợ hộ,” một số người dân cho rằng, combo "đi chợ hộ" còn hạn chế chủng loại hàng hóa, chưa đáp ứng hết nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày, giá lại cao.
Chị Thanh Thủy, cư ngụ tại quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết mỗi combo "đi chợ hộ" dao động từ 5-10 chủng loại mặt hàng, nhưng chủ yếu là những sản phẩm cơ bản như gạo, nước mắm, thịt gia súc, rau củ, gia vị, đồ khô... là những nhóm mặt hàng người dân đã mua sắm dự phòng ít nhiều để thực hiện giãn cách xã hội. Còn người dân lại thiếu những mặt hàng đặc thù như sữa tươi, xúc xích, thực phẩm đóng hộp, thực phẩm đông lạnh cũng như các sản phẩm cho trẻ em, người lớn tuổi cần sử dụng hằng ngày.
Cùng với đó, một số điểm bán cũng lúng túng khi số lượng đơn hàng quá tải nên không đủ hàng hóa cung ứng kịp thời. Điều này, dẫn đến chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa từ khâu tiếp nhận đơn hàng, soạn hàng... đến khâu giao hàng cho người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh bị chậm trễ, cũng như tái diễn tình trạng không kịp trả đơn hàng.
[Dịch COVID-19: Kiện toàn Tiểu ban sản xuất và lưu thông hàng hóa]
Về giá combo "đi chợ hộ," anh Văn Sơn, ngụ tại thành phố Thủ Đức cho hay đối với nhiều hộ dân trước giờ vẫn đi chợ truyền thống nên cảm thấy giá combo có vẻ cao hơn, nhưng đây là hàng hóa được cung ứng từ hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi... đảm bảo chất lượng và có truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm rõ ràng.
Nhằm tháo gỡ "nút thắt" cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đến người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh... tiếp tục kết nối thêm đơn vị giao nhận hàng hóa. Cùng với đó, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị chính quyền thành phố cho siêu thị, cửa hàng và shipper được hoạt động đến 21 giờ mỗi ngày.
Điển hình, Satramart - siêu thị Sài Gòn, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh đã kết hợp Công ty cổ phần Be Group để đưa “siêu thị thu nhỏ” của mình xuất hiện ở mục “đi chợ” trên ứng dụng Be; trong đó, Satramart đưa vào dịch vụ giao hàng kết hợp với Be Group với 12 combo được thiết kế sẵn, có giá dao động từ 120.000 đồng đến hơn 560.000 đồng/combo, mang đến cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn đa dạng. Bên cạnh đó, còn có những combo “chuyên biệt,” gồm: các loại rau, củ gia vị, combo chuyên hàng thực phẩm công nghệ, combo chuyên hàng hóa phẩm.
Đến nay, sau hai tuần người dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó,” những khó khăn trong khâu vận chuyển lương thực, thực phẩm từ các tỉnh khác về Thành phố Hồ Chí Minh tập kết chậm đã dần được khắc phục. Còn số lượng đơn hàng đăng ký chuyển hệ thống phân phối cũng đã tăng dần trong những ngày gần đây.
Báo cáo của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy năng lực đáp ứng "đi chợ hộ" cho người dân ngày càng tăng lên và tăng đáng kể.
Cung ứng theo vùng
Tại Hà Nội, từ ngày 6/9 vừa qua, thành phố thực hiện chống dịch theo phân vùng. Theo đó, tại vùng đỏ, thành phố sẽ tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16/ CT-TTg và siết chặt hơn một số biện pháp phòng dịch, 2 vùng còn lại sẽ áp dụng theo Chỉ thị 15/CT-TTg và một số biện pháp mức cao hơn.
Hiện nay, nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã có phương án triển khai thực hiện giãn cách 3 vùng nhưng vẫn đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân và tổ chức sản xuất đối với các "vùng xanh." Chẳng hạn tại các huyện "vùng xanh" nông nghiệp của thành phố như Thanh Oai, Gia Lâm, Ba Vì…, nông dân vẫn sản xuất để đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào.
Theo ông Đặng Bá Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lan, hiện lượng nông sản trên đồng ruộng rất dồi dào, mỗi ngày hợp tác xã thu mua khoảng 2,5-3 tấn rau củ quả cung cấp ra thị trường. Từ nay đến ngày 21/9 tới và thời gian tiếp theo, lượng nông sản vẫn đủ để cung cấp mỗi ngày từ 2-3 tấn, đáp ứng nhu cầu lương thực cho người tiêu dùng trong thời gian giãn cách xã hội.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết với nguyên tắc “người ở vùng nào ở vùng đó,” thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, người dân được chính quyền địa phương phát phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng gia đình. Các hộ có thể mua hàng trực tiếp tại điểm bán hàng hoặc mua tại điểm bán hàng lưu động và mua online.
Theo đó, tại phân vùng 1 có 78 siêu thị, 149 chợ, 5.095 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu có hình thức bán hàng trực tuyến, 927 địa điểm sẵn sàng trưng dụng làm kho, điểm bán hàng lưu động khi cần thiết. Các hệ thống này bảo đảm cung ứng hàng hóa cho khoảng 3,78 triệu dân.
Các doanh nghiệp cũng chủ động nguồn hàng hóa gấp từ 2-3 lần so với nhu cầu sử dụng bình thường, dự trữ tại các kho bên trong và ngoài phân vùng 1 và thường xuyên điều tiết hàng hóa, không để thiếu hàng cục bộ. Ngoài ra, một số địa phương thông qua hệ thống siêu thị, chuỗi thực phẩm, chợ đầu mối đã cung ứng cho thị trường Hà Nội lượng lớn thực phẩm.
Theo đại diện các hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội, từ nay đến hết ngày 21/9 doanh nghiệp bán lẻ sẽ phối hợp với các quận, huyện như Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông… tổ chức những điểm bán hàng lưu động bởi những địa phương này có ít hệ thống phân phối, hoặc chợ truyền thống bị đóng cửa do có ca F0.
Đối với các chợ trong phân vùng 1, tiểu thương chủ động lấy hàng từ nguồn đầu mối tại chỗ. Trong trường hợp nguồn cung chưa đủ, thành phố sẽ vận hành các điểm trung chuyển để làm điểm giao nhận hàng hóa cho tiểu thương các chợ.
Đối với "vùng đỏ," khu vực cách ly, phong tỏa, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân. Đối với các hộ dân hiện đang sinh sống tại phân vùng 2 và phân vùng 3 cũng sẽ mua hàng thiết yếu thông qua hệ thống siêu thị, chợ, cửa hàng tiện ích và các điểm bố trí bán hàng lưu động...
Bộ Công Thương cho biết với một số địa phương còn lúng túng và thiếu thống nhất trong việc cho phép lưu thông hàng hóa khi thực hiện giãn cách xã hội, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp hỗ trợ đảm bảo các phương tiện vận chuyển lưu thông thông suốt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.