Vì sao giá thịt lợn hơi trên thị trường vẫn chưa thể bình ổn?

"Cung" và "cầu" quá chênh lệch, giá thịt lợn hơi vẫn chưa thể bình ổn

15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn cam kết giảm giá chỉ chiếm 35% thị trường, còn lại 65% là các doanh nghiệp nhỏ, hộ nông dân. Do đó, chưa đủ sức để kéo giá bình quân xuống 70.000 đồng/kg.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến trực tiếp kiểm tra kho thịt lợn đông lạnh tại Hải Phòng. (Ảnh: Lâm Phan/Vietnam+)
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến trực tiếp kiểm tra kho thịt lợn đông lạnh tại Hải Phòng. (Ảnh: Lâm Phan/Vietnam+)

Từ giữa tháng 4/2020 giá lợn thịt có xu hướng tăng đến 70-80.000 đồng/kg lợn hơi; những ngày gần đây giá lợn thịt ổn định ở mức cao trên dưới 80.000 đồng/kg. Đặc biệt, giá lợn thịt xuất chuồng đến tay người tiêu dùng qua 2-5 khâu trung gian tăng khoảng 43%.

Giảm giá thịt lợn: Bài toán nan giải

Báo cáo tại Hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn tại Hà Nội ngày 6/5/2020, đại diện Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định giá thịt lợn vẫn tăng do cung cầu thịt lợn trên thị trường đang mất cân đối. Nguyên nhân chủ yếu do dịch bệnh dẫn đến nguồn cung giảm mạnh.

Theo đó, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn cam kết giảm giá chỉ chiếm 35% thị trường lợn thịt, còn lại 65% do doanh nghiệp nhỏ, trang trại, hộ nông dân chưa đồng bộ xuống giá. Do đó chưa đủ sức để kéo giá bình quân xuống 70.000 đồng/kg lợn hơi.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn không xuất hoặc hạn chế xuất lợn thịt nên gia tăng thêm hiệu ứng thiếu nguồn cung làm tăng giá lợn thịt. Ngoài ra, lợn hơi xuất chuồng đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều khâu trung gian làm giá thịt lợn tăng cao khoảng 43%.

Cùng lúc, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng cao làm giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tăng trên 10%; chi phí phòng chống dịch bệnh tăng cao do phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thuốc sát trùng… Trong khi đó, giá thịt lợn của Trung Quốc tăng cao nên vẫn còn hiện tượng thẩm lậu lợn thịt, lợn giống và sản phẩm thịt lợn qua biên giới.

[Việt Nam nhập khẩu thịt lợn chủ yếu từ thị trường nào?]

Trong khi giá thịt lợn chưa có dấu hiệu giảm, người chăn nuôi nhỏ lẻ sợ dịch tả lợn châu Phi tái phát, chậm nhận được tiền hỗ trợ cho dịch bệnh, khó tiếp cận chính sách tín dụng, lãi suất ưu đãi… nên việc tái đàn còn hạn chế hoặc tái đàn với số lượng ít.

Ngoài ra, vừa qua các doanh nghiệp lớn sản xuất lợn giống chủ yếu thay thế nội bộ và mạng lưới gia công, hạn chế bán con giống ra ngoài. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến giá lợn giống tăng cao, khoảng 2,5-3 triệu đồng/con.

Đối với việc nhập khẩu thịt lợn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: Đến thời điểm này, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 43.000 tấn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, với thị trường trong nước, các loại thịt lợn đông lạnh được nhập khẩu chưa được ưa chuộng. Vì thế, sản phẩm chưa thực sự thâm nhập được thị trường, giúp bình ổn thị trường như kỳ vọng.

Đẩy nhanh tái đàn để bình ổn giá

Trước đó, trao đổi với phóng viên VietnamPlus, Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: Việc tái đàn và tăng đàn lợn đang được đẩy mạnh. Với những nỗ lực như hiện nay, tốc độ tái đàn lợn sẽ tăng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường vào quý III và quý IV.

Theo báo cáo của các địa phương, đến hết tháng 4 năm 2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 25 triệu con, tương đương 80% so với tổng đàn lợn trước khi có dịch tả lợn châu Phi (khoảng 31 triệu con vào 31/12/2018), tăng trưởng bình quân gần 6%/tháng. Chỉ tính 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn và các điểm liên kết vệ tinh nuôi giữ khoảng 35% đàn lợn thương phẩm và tốc độ tái đàn lợn tăng nhanh, đạt trên 17%.

Năm 2020 sản lượng thịt xuất chuồng quý I/2020 đạt hơn 811.000 tấn; dự kiến quý II/2020 đạt hơn 900.000 tấn; quý III/2020 đạt hơn 1 triệu tấn; quý IV/2020 đạt gần 1,1 triệu tấn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nhu cầu lợn thịt xuất chuồng trung bình mỗi quý năm 2018 (trước khi có dịch tả lợn châu Phi) khoảng 920.000 tấn.

"Cung" và "cầu" quá chênh lệch, giá thịt lợn hơi vẫn chưa thể bình ổn ảnh 1Giá thịt lợn trên thị trường vẫn đang ở mức cao. (Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN)

Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ sớm hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020 - 2025” trong tháng 5 năm 2020.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các sở ngành và chính quyền các cấp khẩn trương tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh, không để tái phát, lây lan rộng. Địa phương đã hết dịch (qua 30 ngày) cần khẩn trương công bố hết dịch, tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp yên tâm tái đàn, tăng đàn; đồng thời chi trả kinh phí cho các hộ, cơ sở chăn nuôi để có nguồn lực tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn. Các địa phương tổ chức tổng vệ sinh định kỳ, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất để tiêu diệt các loại mầm bệnh trong chăn nuôi…

Ngoài ra, các cơ sở nuôi giữ giống, quản lý và sản xuất giống được tăng cường năng lực sản xuất theo tháp giống, tăng tỷ lệ chọn giống, nâng cao năng suất sinh sản của đàn nái hiện có, năng lực sản xuất giống tại chỗ để có con giống với giá thành hạ, an toàn dịch bệnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng về các biện pháp chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tái đàn, tăng đàn lợn; tuyên truyền để người tiêu dùng tăng cường sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt lợn như thịt gia súc khác, thịt và trứng gia cầm, thủy sản với nguồn cung dồi dào và giá cả hợp lý…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.