Cuộc biểu tình của nông dân bùng phát thành bạo lực tại Bỉ

Cuộc biểu tình của hơn 7.000 nông dân trước trụ sở Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu ở thủ đô Brussels (Bỉ) đã biến thành bạo lực khi người biểu tình có các hành động quá khích nhằm vào cảnh sát.
Cuộc biểu tình của nông dân bùng phát thành bạo lực tại Bỉ ảnh 1 Cảnh sát làm nhiệm vụ trong cuộc biểu tình. (Nguồn: THX/TTXVN)

Cuộc biểu tình của hơn 7.000 nông dân ngày 7/9 trước trụ sở Ủy ban châu Âu (EC) và Hội đồng châu Âu ở thủ đô Brussels (Bỉ) đã biến thành bạo lực khi người biểu tình có các hành động quá khích nhằm vào lực lượng cảnh sát.

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi người biểu tình ném trứng, vỏ chai, mảnh vỡ vào cảnh sát, lập các rào chắn và đốt lốp xe tạo khói đen khiến không khí tại khu vực này trở nên ngột ngạt, buộc lực lượng chức năng phải sử dụng vòi rồng và hơi cay để trấn áp những người quá khích.

Đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát đã khiến ba cảnh sát bị thương.

Bên cạnh đó, hoạt động biểu tình huy động hơn một nghìn xe máy kéo khiến hệ thống giao thông công cộng tại thủ đô Brussels tê liệt trong nhiều giờ. Một số tuyến đường chính gần trụ sở Liên minh châu Âu (EU) phải cấm xe cộ qua lại.

Cuộc biểu tình của nông dân bùng phát thành bạo lực tại Bỉ ảnh 2Quang cảnh cuộc biểu tình của nông dân trên đường cao tốc E40, Brussels. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Những nông dân tham gia biểu tình tại Brussels đến từ nhiều nước như Bỉ, Pháp, Đức, Anh, Ireland và các nước khác trong EU. Họ yêu cầu đảm bảo hoạt động nông nghiệp hiệu quả trong toàn EU, duy trì một chính sách nông nghiệp chung (CAP), cùng các biện pháp trung và dài hạn đối phó với những biến động trong thị trường nông nghiệp.

Ngoài ra, người biểu tình còn kêu gọi EU hỗ trợ nông dân bằng cách tìm thêm những thị trường mới ở trong và ngoài khu vực.

Cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh bộ trưởng nông nghiệp 28 nước thành viên EU đang nhóm họp tại hội nghị bất thường ở Brussels, trong đó quyết định giải ngân 500 triệu euro (tương đương 557 triệu USD) từ quỹ khẩn cấp nhằm giảm bớt áp lực cho nông dân gặp khó khăn do thiếu vốn, giúp khôi phục sự cân đối của thị trường bằng cách kích cầu, giảm cung. Theo Ủy viên châu Âu phụ trách Nông nghiệp Phil Hogan, gói hỗ trợ này thể hiện trách nhiệm nghiêm túc của EC đối với nông dân.

Thị trường tiêu thụ nông phẩm của EU bị thu hẹp trong thời gian qua và việc đóng cửa các thị trường chính, đặc biệt là Nga, đã gây những tác động tiêu cực tới lĩnh vực nông nghiệp trong khối nói chung và tới người nông dân nói riêng.

Lệnh cấm nhập khẩu của Nga nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của EU đã khiến nông dân châu Âu thiệt hại khoảng 5,5 tỷ euro. Trước đó, tính đến tháng Tám năm ngoái, thị trường nông sản, thực phẩm Nga tiêu thụ tới 16 tỷ euro hàng xuất khẩu của EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.