Ngày 7/9, các bộ trưởng nông nghiệp của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp tại thủ đô Brussels của Bỉ nhằm tìm kiếm những giải pháp để giải quyết những khó khăn mà ngành nông nghiệp và chăn nuôi khu vực này đang phải đối mặt.
Thông báo của Hội đồng châu Âu cho biết tại cuộc họp bất thường này, các bộ trưởng thảo luận về tình hình khó khăn hiện tại của các thị trường nông nghiệp của EU trong bối cảnh giá thực phẩm lao dốc, cũng như những ảnh hưởng từ lệnh cấm vận của Nga.
Phát biểu trước cuộc họp, Bộ trưởng Nông nghiệp Luxembourg Fernand Etgen cho biết cuộc đối thoại lần này là nhằm thảo luận những giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng hiện nay, ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực nông nghiệp.
Những số liệu mới nhất cho thấy giá của các mặt hàng thực phẩm không đủ mang lại lợi nhuận cho hầu hết các nhà sản xuất.
Ông Etgen cam kết các bộ trưởng và Ủy ban châu Âu sẽ đề xuất một chương trình trong ngắn và trung hạn nhằm cải thiện tình hình cũng như mang lại "những triển vọng mới" cho nông dân.
Cuộc họp trên diễn ra trong bối cảnh hàng nghìn nông dân châu Âu tổ chức một cuộc biểu tình quy mô lớn tại Brussels, kêu gọi giới chức EU cần có phương án can thiệp nhằm giải quyết tình trạng giá lương thực thực phẩm giảm mạnh.
Cuộc biểu tình thu hút khoảng 6.000 nông dân đến từ các nước gồm Bỉ, Pháp, Đức, Anh, Ireland, Italy, Bồ Đào Nha và Litva.
Những người biểu tình đã sử dụng hàng trăm máy kéo để chặn các con phố chính của Brussels, ném trứng và cỏ khô vào lực lượng cảnh sát bảo vệ bên ngoài trụ sở của EU nơi các bộ trưởng nông nghiệp nhóm họp, đồng thời đốt củi và lốp xe trước tòa nhà.
Họ chỉ trích chính giới, cho rằng người nông dân đang phải trả giá cho những chính sách mang tính chính trị quốc tế của giới chức EU, đồng thời kêu gọi liên minh này cần "hành động" để cứu vãn tình thế. Tình hình biểu tình căng thẳng khiến cảnh sát sau đó buộc phải sử dụng vòi rồng để giải tán đám đông.
Trước đó, trong nỗ lực hỗ trợ nông dân trong khu vực, Ủy ban châu Âu đã công bố kế hoạch giải ngân 500 triệu euro (tương đương 557 triệu USD) trong quỹ khẩn cấp nhằm giúp giảm bớt áp lực cho nông dân.
Giới phân tích nhận định trên thực tế, cuộc khủng hoảng nông nghiệp hiện nay tại EU có nhiều căn nguyên.
Việc thay đổi thói quen ăn uống, nhu cầu từ Trung Quốc giảm sút và lệnh cấm vận của Nga áp đặt lên các sản phẩm EU nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, được xem là những nguyên nhân chính khiến các loại thực phẩm như thịt bò, thịt lợn và sữa rớt giá mạnh.
Theo Liên đoàn Kinh doanh nông nghiệp Copa-Cogeca, riêng biện pháp cấm vận của Nga đã khiến thị trường xuất khẩu chủ lực của liên minh này thiệt hại lên đến hơn 6 tỷ USD./.