Giữa thời buổi thống trị của các siêu anh hùng bước ra từ truyện tranh, một bộ phim trinh thám xuất sắc bỗng dưng được coi là xa xỉ.
Cho đến giờ, mới chỉ có tập “Skyfall” thuộc series phim về điệp viên 007 cán mốc doanh thu 1 tỷ USD và giới phê bình đã nhận định kỷ lục này rất khó tái hiện, bởi sự quan tâm của công chúng đã không còn mặn mà như xưa.
Cuộc chiến doanh thu chưa bao giờ thay đổi
Một bộ phim superheroes đình đám vừa công chiếu gần đây là “Batman v Superman: Dawn Of Justice” bất chấp việc bị cả giới phê bình và công chúng chê bôi đủ đường cũng “nhẹ nhàng” thu về gần 900 triệu USD.
Trong khi đó, tập thứ 4 trong loạt phim “Mission: Impossible" là "Ghost Protocol,” dù được đánh giá là vô cùng xuất sắc nhưng lại không thể với tới mức 700 triệu USD - con số mà bất kỳ một phim điệp viên - trinh thám nào cũng mơ tưởng.
Những người lạc quan vẫn nói, 2015 là thời điểm bùng nổ phim về điệp viên, xuất hiện trên nhiều mặt trận, ở nhiều thời điểm khác nhau, từ Thế chiến thứ hai sang giai đoạn Chiến tranh lạnh cho đến hiện tại, gồm cả nghệ thuật lẫn giải trí.
Và nhiều người tin rằng, thời hoàng kim của dòng phim này đang quay lại.
Ngay cả một phim xoay quanh chủ đề đua xe là “Furious 7” cũng ít nhiều có chất “điều tra - phá án,” các nhân vật chính đôi lúc cũng thực hiện những công việc như điệp viên chân chính. Nhưng sự thật không đơn giản như vậy.
Ngoại trừ “Mission: Impossible - Rogue Nation” và “Spectre” là những bom tấn thực sự, số còn lại, kể cả phim tranh giải Oscar - “Bridge Of Spies” của đạo diễn Steven Spielberg hay “Kingsman: The Secret Service” giễu nhại kiểu Anh và “Spy” đậm chất hài hước đều đạt mức doanh thu vừa phải và nhanh chóng chìm đi trong trí nhớ của đại đa số công chúng.
Một trong những điểm khó khăn nhất khi làm phim điệp viên - trinh thám chính là phải có một kịch bản thật chỉn chu, chi tiết, câu chuyện được dẫn dắt khéo léo, cài cắm các thủ pháp đánh lạc hướng suy đoán của khán giả.
Xét cho cùng, phần nội dung đảm bảo kịch tính, hồi hộp, bất ngờ mới là yếu tố ăn khách đầu tiên của dòng phim này, tiếp theo mới đến yếu tố hành động.
Như “Spectre” - tập mới nhất về James Bond - dù các màn đua xe, đấu súng, cháy nổ vẫn cực kỳ hoành tráng và mãn nhãn nhưng kịch bản yếu ớt và nhiều sơ hở đã khiến nó hoàn toàn mất điểm trong mắt giới phê bình và gần như loại bỏ hoàn toàn việc ngôi sao Daniel Craig tiếp tục thủ vai 007 trong tương lai.
Chân thực làm khó hơn kỳ ảo?
Không như dòng phim siêu anh hùng đưa khán giả vào một thế giới nửa hiện thực nửa kỳ ảo, phim về điệp viên buộc phải tuân thủ một quy tắc càng chân thực càng tốt.
Dĩ nhiên, khi các nhân vật chính có thể làm được những việc không tưởng như Ethan Hunt trong “Mission: Impossible,” sở hữu những vũ khí công nghệ cao đến mức không tưởng như James Bond thì việc cần làm với đạo diễn, biên kịch và cả đội ngũ chuyên gia dàn dựng chính là làm sao để nó phải “như thật,” phải không được xa rời các quy tắc vật lý, nhân vật chính không được phép giống một superhero.
Cho nên, rất nhiều người, thay vì thích Ethan Hunt hay James Bond thì lại lựa chọn Jason Bourne, một điệp viên đậm đà chất “người,” trong một series phim giản dị nhưng có sức thuyết phục cao và ít nhiều cho công chúng thấy một diện mạo khác của nghề nghiệp này: lặng lẽ, buồn chán, ảm đạm, bị ràng buộc bởi nhiều khuôn phép, hạn chế dùng bạo lực và càng dễ lẫn vào đám đông càng tốt.
Phải làm sao cho khán giả cảm tưởng câu chuyện trên màn ảnh có thể diễn ra đâu đó ngoài đời thực, đó mới là thành công chân chính của một bộ phim điệp viên.
Điệp viên, thám tử là những hình tượng điện ảnh được yêu thích ngay từ khi xuất hiện.
Chính vì thế, không ngạc nhiên khi chúng có thể duy trì đời sống riêng của mình bằng cách xuất hiện trong các thể loại phim khác.
Như nhân vật Black Widow thuộc đội Avengers trong series phim đình đám nhất của Marvel, có xuất thân là một điệp viên được đào tạo bài bản và cô hoạt động với tư cách này nhiều hơn tư cách một siêu anh hùng.
Hay giáo sư Đại học Harvard Robert Langdon trong series phim dựng từ loạt tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Dan Brown cũng luôn biết cách ứng dụng kiến thức chuyên môn để phá nhiều vụ án lớn, chẳng thua gì một thám tử chuyên nghiệp.
Cũng giống các siêu anh hùng, một “siêu điệp viên” hoặc “siêu thám tử” khi muốn độc diễn trên màn ảnh rộng, nếu có bối cảnh, thân thế rõ ràng, hay nói khác đi, đã thuộc dạng quen mặt với công chúng thì khả năng thắng lợi về mặt doanh thu đối với nhà sản xuất cũng cao hơn hẳn.
Đó cũng là lý do vì sao cho tới nay, khi nhắc đến những bộ phim để lại nhiều ấn tượng nhất trong thể loại này, người ta luôn nêu ra ba series quen thuộc: “007,” “Mission: Impossible” và “Jason Bourne.”
Jack Ryan, Alex Cross cũng là những cái tên khá nổi tiếng bước ra từ tiểu thuyết nhưng mức độ ăn khách vẫn còn kém xa và chưa biết bao giờ mới có các tập phim tiếp theo.
Như vậy, phim trinh thám dù vẫn giữ được thị phần riêng, vẫn có sức cuốn hút với một nhóm khán giả nhất định, nhưng quả thực chưa đủ sức cạnh tranh với đội ngũ siêu anh hùng đông đảo đến từ hai đế chế lớn là Marvel và DC Comics.
Tám phim superheroes ra mắt trong năm 2016 đều là những siêu phẩm thực sự và hứa hẹn góp mặt trong danh sách phim ăn khách nhất.
Trong khi đó, ở thể loại trinh thám - điệp viên, mức độ kỳ vọng lớn nhất chắc chắn thuộc về “Jason Bourne” tập thứ 5, lấy chính tên của siêu điệp viên làm tên phim. Kém hơn một chút là “Inferno” - phim thứ ba về giáo sư Robert Langdon với biệt tài phá án bằng kiến thức lịch sử và tôn giáo.
“Jack Reacher: Never Go Back” dù có sự góp mặt của Tom Cruise vẫn chỉ được coi là một bộ phim tầm trung.
Những “Bastille Day,” “Criminal” đều khó gây được tiếng vang lớn. Sau quãng thời gian tạm gọi là “thăng hoa” trong năm 2015, mọi thứ đã trở về nguyên trạng./.