Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc khó có thể được hạ nhiệt

Kể cả khi Hạ viện Mỹ có quan điểm mềm mỏng hơn với Bắc Kinh thì quyền áp thuế nhằm vào Trung Quốc về cơ bản vẫn nằm trong tay cơ quan hành pháp, đó chính là Tổng thống Donald Trump.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc khó có thể được hạ nhiệt ảnh 1Lãnh đạo Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (trái) và Chủ tịch Ủy ban tranh cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Đảng Dân chủ Ben Ray Lujan vui mừng sau khi kết quả bầu cử sơ bộ được công bố tại Washington, DC., ngày 6/11/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo kết quả mới nhất, đảng Dân chủ đã có dư số phiếu cần thiết để nắm quyền kiểm soát Hạ viện 435 ghế.

Chiến thắng của đảng Dân chủ tại Hạ viện được dự báo sẽ tác động đáng kể tới chương trình nghị sự mà Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và các nghị sỹ Cộng hòa đang theo đuổi.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Nhà Trắng sẽ hủy bỏ chính sách áp thuế đối với Trung Quốc.

Trung Quốc là một trong số rất ít khu vực chính sách mà nhận được sự đồng thuận từ cả hai viện Quốc hội. Đảng Dân chủ nhất trí rộng rãi rằng Mỹ cần có hành động cứng rắn hơn đối với cường quốc châu Á này trên một loạt lĩnh vực, từ quân sự, thương mại, cho tới tình báo, ngoại giao.

Dư luận đang kỳ vọng Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát có thể có quan điểm mềm mỏng hơn với Bắc Kinh, từ đó giúp hóa giải cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

[Trung Quốc, Mỹ sẽ đối thoại ngoại giao và an ninh lần 2 tại Washington]

Tuy nhiên, nhà phân tích kinh tế Nick Marro cho rằng suy nghĩ trên là sai lầm, do trong lịch sử, phe Dân chủ luôn có lập trường ủng hộ các nghiệp đoàn lao động, và ít ủng hộ một nền thương mại tự do không bị giới hạn.

Kể cả khi Hạ viện muốn như vậy, thì quyền áp thuế nhằm vào Trung Quốc về cơ bản nằm trong tay cơ quan hành pháp, đó chính là Tổng thống Donald Trump.

Nếu chủ nhân Nhà Trắng cần sự ủng hộ từ Quốc hội về chính sách với Trung Quốc trong tương lai, rất ít dấu hiệu cho thấy phe Dân chủ sẽ cản đường ông.

Đây là thông tin không vui đối với Bắc Kinh, vốn được cho là đang cố gắng xoa dịu các chính sách đối đầu thương mại của Washington.

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ diễn ra đúng vào thời điểm Trung Quốc ngày càng thất bại trong cách thức đối phó với chủ trương đối đầu thương mại của Tổng thống Trump.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung liên tục leo thang cùng với các gói áp thuế nhập khẩu trả đũa lẫn nhau trị giá hàng trăm tỷ USD với Mỹ là bên khởi xướng nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại với Trung Quốc và điều chỉnh những hoạt động thương mại nước này cho là không công bằng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.