Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ nóng lên như thế nào?

Ông Trump nói rằng nếu không đạt được một thỏa thuận, ông sẽ áp thêm thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc - điều mà ông Tập Cận Bình rất muốn tránh bởi lo ngại nền kinh tế Trung Quốc bị giảm tốc.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ nóng lên như thế nào? ảnh 1(Ảnh minh họa: AFP/ TTXVN)

Theo mạng tin washingtonpost, trong khi một đoàn đại biểu thương mại của Trung Quốc đã tới Washington, Bắc Kinh tuyên bố họ sẽ thúc đẩy việc đưa ra một luật đầu tư nước ngoài mới nhằm giải quyết một số vấn đề mà chính quyền Mỹ đang phàn nàn.

Động thái này, chỉ diễn ra vài giờ trước khi các quan chức Trung Quốc và những người đồng cấp Mỹ bắt đầu cuộc đàm phán kéo dài 2 ngày, dường như nhằm thể hiện một điều quan trọng: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang hy vọng chấm dứt cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Hiện nay, hai nước đều đang tôn trọng thỏa thuận tạm dừng cuộc chiến thương mại này. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề ra hạn chót là ngày 1/3 để đạt được một thỏa thuận nhằm cân bằng lại các mối quan hệ thương mại của Mỹ.

Ông Trump nói rằng nếu không đạt được một thỏa thuận, ông sẽ áp thêm thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc - điều mà ông Tập Cận Bình rất muốn tránh bởi lo ngại sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc bị giảm tốc.

Tuy nhiên, mặc dù có thể lạc quan rằng hai nước sẽ tìm được giải pháp, song cũng có những dấu hiệu cho thấy căng thẳng sẽ bị đẩy lên cao.

Vụ việc liên quan tới "người khổng lồ" Huawei của Trung Quốc có thể sẽ trở thành trở ngại lớn nhất. Ngày 28/1, Bộ Tư pháp chính thức khởi tố hình sự đối với công ty này và Giám đốc Mạnh Vãn Chu với cáo buộc lừa đảo ngân hàng, vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và ăn cắp tài sản trí tuệ của một công ty đối thủ.

Mặc dù trước đó, trong nhiều năm, Mỹ đã tỏ ra lo ngại về các hoạt động kinh doanh của Huawei và mối quan hệ của công ty này với chính phủ Trung Quốc, song những nhà quan sát Trung Quốc lâu năm không khỏi bất ngờ về những chi tiết kết tội được Bộ Tư pháp Mỹ công bố ngày 28/1 vừa qua.

[Mỹ thay đổi tâm lý chính sách và cách thức ứng phó của Trung Quốc]

Emily Rauhala, phóng viên của Washington Post, đã viết: "Cho dù kết quả có ra sao thì những cáo buộc này chắc chắn sẽ tác động tới định hình quan hệ Mỹ-Trung, khiến các cuộc đàm phán thương mại diễn ra trong tuần này càng thêm khó đoán trước, và tạo ra giọng điệu hiếu chiến giữa hai bên trong nhiều tháng, nếu không muốn nói có thể là nhiều năm sắp tới."

Trước khi bản cáo trạng được công bố, một số nước - bao gồm cả Mỹ - đã cấm Huawei tham gia vào việc xây dựng mạng 5G - thế hệ tiếp theo của mạng di động. Trong bài báo đăng trên Engadget với tựa đề "Huawei đang bị siết chặt tới đâu?", tác giả Chris Velazco viết: "Xét tới việc Huawei rõ ràng là hoạt động không có nguyên tắc, thì tiền không phải là điều duy nhất công ty này sẽ mất - mà niềm tin của quốc tế đối với công ty này cũng đang bị xói mòn."

Steve Dickinson, viết trên Blog China Law (Luật Trung Quốc), cho rằng vụ việc của Huawei là một dấu hiệu cho thấy các công ty và chính phủ nước ngoài ngày càng không sợ bị trả đũa nếu họ có động thái chống lại hoạt động "ăn cắp" tài sản trí tuệ của Trung Quốc.

Dickinson viết: "Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung bị xấu đi, mối lo ngại này dường như đang dần biến mất, và hàng thập kỷ oán giận chất chứa vì các hoạt động ăn cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc có thể sẽ biến thành 'dòng thác' những cáo buộc từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cùng các nước khác." 

Tuy nhiên, đây vẫn có thể là một chiến thuật nguy hiểm. Phản ứng của Trung Quốc trước việc bà Mạnh Vãn Chu bị bắt cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng hệ thống tư pháp của mình trong các tranh chấp về thương mại và ngoại giao.

Hai nhân vật nổi tiếng người Canada, Michael Kovrig và Michael Spavor, đã bị bắt giữ ở Trung Quốc chỉ ngay sau khi bà Mạnh bị bắt giam ở Vancouver ngày 1/12 năm ngoái, một người Canada khác bị tuyên án tử hình không lâu sau đó. Trung Quốc vẫn chưa nhằm vào các công dân Mỹ, những không có gì đảm bảo rằng Bắc Kinh sẽ không làm như vậy.

Thêm vào đó, những dấu hiệu có vẻ tích cực trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ không như vẻ bề ngoài. Luật đầu tư nước ngoài mới của Bắc Kinh rất đáng chú ý, song tốc độ xây dựng luật này thực sự có thể không có lợi cho các công ty nước ngoài.

Phóng viên Chao Deng của Wall Street Journal, viết: "Mặc dù dự thảo (luật đầu tư nước ngoài) hiện nay giải quyết được một số vấn đề bị các công ty nước ngoài chỉ trích lâu nay, cam kết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty nước ngoài và cấm cưỡng ép chuyển giao công nghệ, song dự thảo này cũng còn nhiều chỗ chưa rõ ràng về đánh giá an ninh quốc gia, quyền sung công của chính phủ và các vấn đề khác mà các quan chức có thể lợi dụng để chống lại các công ty nước ngoài."

Trong một bài báo đăng trên The Atlantic, phóng viên Michael Schuman làm việc ở Bắc Kinh đã đưa ra một dự báo ảm đạm cho vòng đàm phán Mỹ-Trung sắp tới. Schuman viết: "Tranh chấp thương mại sẽ vượt xa vấn đề thuế quan và thâm hụt thương mại. Đây là một cuộc ganh đua giữa hai hệ tư tưởng rất khác nhau."

Ông nói thêm: "Điều 'không công bằng' trong con mắt người Mỹ đơn giản chỉ là hoạt động kinh doanh hàng ngày tại Trung Quốc." Mặc dù Schuman đang nói tới các hoạt động kinh doanh không công bằng, song điều ông muốn ám chỉ có thể là vấn đề khác: pháp lý, chính trị và tôn giáo.

Đó có thể là lý do tại sao Trump đứng về cùng phía với những người ủng hộ tự do trong việc gây sức ép với Trung Quốc. Một trong số họ là tỷ phủ George Soros, người đã chỉ trích Trung Quốc ngay tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, hồi tuần trước. Ông nói: "Không nghi ngờ gì rằng Trung Quốc là quốc gia giàu có nhất, mạnh nhất và phát triển nhất trong lĩnh vực máy móc và trí thông minh nhân tạo."

Tuy nhiên, tỷ phú này cũng không hy vọng nhiều vào việc chính quyền Mỹ sẽ chống lại các hoạt động thương mại của Trung Quốc theo cách thức có thể tạo ra ảnh hưởng lâu dài. Ông nói: "Điều đáng tiếc là Tổng thống Trump dường như đang đi theo một đường lối khác: Nhượng bộ Trung Quốc, và tuyên bố chiến thắng trong khi tiếp tục tấn công các đồng minh của Mỹ".

Hồi đầu tuần, Tom Orlik của Bloomberg nói: "Dự đoán của chúng tôi là Trung Quốc, với mong muốn tránh mức thuế quan tăng lên 25%, sẽ đưa ra những nhượng bộ đủ để Mỹ tuyên bố chiến thắng. Tuy nhiên, rủi ro của viễn cảnh này là Trung Quốc sẽ cho rằng Tổng thống Trump lừa gạt họ."

Câu hỏi lớn đối với viễn cảnh này là liệu ông Trump - đang bận tâm tới cuộc bầu cử sắp tới và gần đây bị đánh bại trong các cuộc đàm phán để mở cửa lại chính phủ - có làm chiến tranh thương mại leo thang hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.