Sáng 26/8, tại chùa Candaransi, Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp tổ chức khai mạc Hội thảo khoa học “Hòa thượng Danh Nhưỡng: Cuộc đời-đạo nghiệp và những đóng góp cho đạo pháp và dân tộc."
Hội thảo được tổ chức nhân 5 năm ngày viên tịch của cố Trưởng lão Hòa thượng Danh Nhưỡng, nguyên Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ khóa IV đến khóa VII và là hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ IX sắp được tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam là đất nước đa tôn giáo, đồng bào các tôn giáo là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, có tinh thần yêu nước, sống gắn bó, đoàn kết, có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các chức sắc, nhà tu hành tôn giáo ở Việt Nam có tinh thần dân tộc, hành đạo gắn bó với dân tộc, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo.”
Sơ lược tiểu sử, cuộc đời tu học, hành đạo cống hiến cả cuộc đời phục vụ đất nước, đạo pháp và dân tộc của cố Hòa thượng Danh Nhưỡng, ông Ngô Sách Thực cho biết hơn 40 năm trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hòa cùng dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Nam tông Khmer, Hòa thượng Danh Nhưỡng cùng các sư sãi, phật tử Khmer đã có nhiều đóng góp xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đất nước Việt Nam vững mạnh và trường tồn, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Khmer, góp phần làm phong phú văn hóa Việt Nam, thực hiện đường hướng hành đạo đúng đắn “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa Xã hội."
Đạo từ tại phiên khai mạc hội thảo, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tri ân đạo hạnh, công lao của Hòa thượng Danh Nhưỡng, khẳng định, xuyên suốt cuộc đời-đạo nghiệp của mình, Hòa thượng Danh Nhưỡng - vị giáo phẩm cấp cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam - đã tiếp bước các vị danh tăng tiền bối, thể hiện rõ hạnh nguyện phục vụ đất nước, đạo pháp và dân tộc.
Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, Hòa thượng Danh Nhưỡng đã tích cực tham gia ủng hộ cách mạng, góp phần vào thắng lợi chung của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sau ngày đất nước thống nhất cho đến ngày viên tịch, Hòa thượng Danh Nhưỡng đã được đồng bào Phật tử, chính quyền tín nhiệm bầu vào các chức vụ lãnh đạo trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh việc tổ chức hội thảo khoa học về cuộc đời, sự đóng góp của Hòa thượng Danh Nhưỡng đối với đạo pháp và dân tộc là một việc làm ý nghĩa, có giá trị vinh danh những cống hiến to lớn của cố Trưởng lão Hòa thượng Danh Nhưỡng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đất nước.
Hội thảo cũng là nguồn tư liệu khoa học quý báu để giáo dục các thế hệ tăng ni, Phật tử về tấm gương sáng hạnh nguyện phục vụ đất nước, đạo pháp và dân tộc.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ việc nghiên cứu tôn giáo, lịch sử, văn hóa không chỉ là công việc mang tính học thuật hàn lâm đơn thuần mà còn góp phần thiết thực vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, để xã hội phát triển bền vững.
[Đại lễ Phật đản: Trách nhiệm của mỗi người với nhân sinh và xã hội]
Hội thảo “Hòa thượng Danh Nhưỡng: Cuộc đời-đạo nghiệp và những đóng góp cho Đạo pháp và dân tộc” được tổ chức nhằm nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp của Hòa thượng Danh Nhưỡng, những cống hiến nổi bật đối với Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng, và sự nghiệp hoằng dương Phật pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung.
Hội thảo cũng tập trung đánh giá tầm ảnh hưởng, vai trò của Hòa thượng Danh Nhưỡng trong hành trình phục sự dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chia sẻ chuyên môn nghiên cứu về Phật giáo Nam tông Khmer; các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến Phật giáo Nam tông Khmer, đặc biệt là Phật giáo Nam tông Khmer tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hơn 40 tham luận được các nhà nghiên cứu, học giả, cao tăng đại đức Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi đến và trình bày tại Hội thảo tập trung làm rõ cuộc đời, những đóng góp to lớn của Hòa thượng Danh Nhưỡng cho đạo pháp, xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam và sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc; Chùa Candaransi trong đời sống văn hóa của người Khmer Nam Bộ và vai trò kết nối Phật giáo quốc tế./.