Cuộc đua chinh phục người tiêu dùng: Sức vươn thương hiệu Việt

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng trăn trở Việt Nam dù đã có nhiều sản phẩm được sản xuất trong nước nhưng vẫn mang thương hiệu của công ty mẹ từ nước ngoài nên có sức cạnh tranh không cao.
(Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
(Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Tròn 10 năm triển khai, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thực sự đi vào chiều sâu, tạo được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, địa phương và có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Biểu tượng mới - VinFast hay những thương hiệu đã ăn sâu vào tâm trí người tiêu dùng trong nhiều năm qua như Vinamilk, bia Hà Nội, Vietnam Airlines… đang khẳng định sức vươn mạnh mẽ trong “cuộc đua” chinh phục niềm tin người tiêu dùng và là niềm tự hào khi nhắc đến Việt Nam.

Sự kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát động phong trào "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam" vào tháng 11/2018 là bước đi trong lộ trình xây dựng thương hiệu Việt chất lượng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời khuyến khích đội ngũ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ và phương thức quản trị hiện đại để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, chinh phục thị trường nội địa với gần 100 triệu dân.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện các cam kết hội nhập sâu, rộng cũng đặt ra yêu cầu doanh nghiệp Việt cần tổ chức lại các khâu từ sản xuất đến phân phối, quảng bá... mang tính chuyên nghiệp hơn để vừa chinh phục người tiêu dùng Việt vừa vươn tới toàn cầu.

Những trái ngọt đầu tiên

Có lẽ việc xếp VinFast vào danh mục những biểu tượng của hàng Việt Nam đã là đề tài khiến không ít người tranh cãi.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ôtô cá nhân mang thương hiệu Việt vẫn còn là giấc mơ của bao thế hệ người tiêu dùng thì tham vọng đưa sản phẩm ôtô kết tin từ trí tuệ và bàn tay Việt tới người tiêu dùng là điều đáng tự hào.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng trăn trở Việt Nam dù đã có nhiều sản phẩm được sản xuất trong nước nhưng vẫn mang thương hiệu của công ty mẹ từ nước ngoài nên có sức cạnh tranh không cao.

Chính vì thế, việc Tập đoàn Vingroup trong một thời gian rất ngắn có thể tạo ra chuỗi giá trị ôtô, xe máy điện đầu tiên mang thương hiệu Việt cho thấy ý chí của doanh nghiệp Việt vươn tầm thế giới.

Cuộc đua chinh phục người tiêu dùng: Sức vươn thương hiệu Việt ảnh 1Mẫu xe SUV của Vinfast tại Paris Motor Show 2018. (Ảnh: Toàn Trí/TTXVN)

Các sản phẩm này đứng cạnh những thương hiệu lớn trên thế giới tại Paris Motor Show 2018 là triển lãm ôtô hàng đầu thế giới đã đánh dấu mốc quan trọng đưa nền công nghiệp ôtô Việt Nam lên một tầm cao mới.

Chưa dừng lại ở đó, giữa tháng 12/2018, Vingroup lại một lần nữa ra mắt 4 dòng điện thoại đầu tiên mang thương hiệu Vsmart (Joy 1, Joy 1+, Active và Active 1+) sản xuất từ A-Z tại Việt Nam.

Hầu hết giới chuyên gia đều đánh giá cao và khẳng định, trước Vsmart, người Việt chưa từng làm chủ một nhà máy sản xuất điện thoại di động nào có quy mô lớn, mức độ hiện đại và có thể khép kín toàn bộ chu trình ra đời của sản phẩm công nghệ tinh vi này ngay từ trong nước.

Ở chiều ngược lại, cũng qua câu chuyện của VinFast và Vsmart để thấy rằng, người tiêu dùng không hề quay lưng lại với hàng Việt mà kỳ vọng rất lớn vào những doanh nghiệp Việt có năng lực và dám đối diện với thử thách.

Nếu Vingroup đang dần trở thành thương hiệu quốc dân và tiếp tục truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp Việt ở thời điểm hiện tại thì những thương hiệu như Miliket, bột canh Hải Châu, bánh kẹo Hữu Nghị, TH True Milk, văn phòng phẩm Hồng Hà… lại là những thương hiệu vững vàng vị thế nhiều năm qua do chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Phó trưởng Ban thư ký Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam," Thường trực Ban chấp hành Chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện cuộc vận động chia sẻ, với vai trò là một trong những Bộ “xương sống” triển khai cuộc vận động, hàng năm các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn… liên tục được đổi mới. Điều này giúp hàng Việt Nam chinh phục tốt hơn người tiêu dùng Việt Nam. Nhờ đó, người tiêu dùng biết đến cuộc vận động, tiếp cận và có cơ hội sử dụng hàng hóa, dịch vụ Việt với giá cả và chất lượng tốt hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Đông, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hoa Lan, những năm gần đây, cùng với bán hàng theo phương thức truyền thống, Hoa Lan còn đẩy mạnh truyền thông và bán hàng trên mạng xã hội. Nhờ đó, thay vì chủ yếu xuất khẩu, thị phần ở thị trường trong nước ngày càng tăng cao, sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.

Được đánh giá là một trong những hệ thống phân phối bán lẻ thuần Việt đầy uy tín, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op cho hay từ 2009 đến nay, Saigon Co.op đã liên tục nâng cấp chương trình “Tự hào hàng Việt” qua việc giảm giá sản phẩm, nhất là các sản phẩm thiết yếu nhằm gia tăng sức mua với mặt hàng sản xuất tại Việt Nam, thu hút sự hưởng ứng của người tiêu dùng.

Đến nay, chương trình quy mô nhất dành riêng cho hàng Việt này của Saigon Co.op đã có hành trình 21 năm đồng hành và chinh phục người tiêu dùng trong nước và từng bước đưa hàng Việt xuất ngoại.

Khảo sát mới đây cho thấy 92% người tiêu dùng Việt Nam được hỏi đã khẳng định họ rất quan tâm đến hàng sản xuất trong nước, 63% người tiêu dùng khẳng định sẽ ưu tiên sử dụng hàng Việt, 54% người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè lựa chọn sử dụng hàng Việt khi mua sắm.

Hơn nữa, hầu hết người tiêu dùng Việt Nam đều đánh giá cao chất lượng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Bởi theo họ kể từ khi có cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” chất lượng hàng hóa đã được nâng lên rất nhiều, mẫu mã cũng được cải thiện và giá thành cũng phù hợp với mặt bằng chung hiện nay.

Không dừng lại ở đó, phía doanh nghiệp cũng rất hứng khởi với sự chào đón của người tiêu dùng trước những chuyển biến tích cực trong thói quen sính ngoại. Đây là động lực lớn giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo dựng vị thế vững chãi trên thị trường nội địa.

Tiếp lửa cho hàng Việt

Bước sang năm thứ 10 của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng là thời điểm hàng Việt đang đứng trước những cơ hội rất lớn do Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới.

Đây là cơ hội giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn mới cũng như công nghệ sản xuất, kinh doanh, hệ thống quản lý tiên tiến.

Theo thống kê từ Bộ Công Thương, sau 10 năm thực hiện cuộc vận động này, hàng Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định tại hơn 9.000 điểm bình ổn thị trường; trong đó, có trên 90% hàng hóa được sản xuất trong nước. Tại các trung tâm thương mại, các siêu thị lớn, tỷ lệ hàng hóa thương hiệu Việt luôn đảm bảo đạt trên 70%.

Dù vậy, các chuyên gia cũng tỏ ra e ngại bởi hàng Việt đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng, nhưng khi các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực, thuế suất thuế nhập khẩu giảm xuống còn từ 0-5%, hàng hóa nhập ngoại sẽ tràn vào Việt Nam, lúc ấy thị trường trong nước sẽ không còn là của riêng doanh nghiệp Việt.

Đây là thách thức lớn đối với nền kinh tế quốc gia, cũng là cuộc cạnh tranh rất gay gắt mà doanh nghiệp trong nước phải đối mặt. Vì thế, nếu không có sản phẩm tốt, giá cạnh tranh để chinh phục người tiêu dùng thì doanh nghiệp Việt có thể dễ mất vị thế ngay tại sân nhà.

Cuộc đua chinh phục người tiêu dùng: Sức vươn thương hiệu Việt ảnh 2Siêu thị Co.opmart. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Theo bà Lê Việt Nga, hiện tại hoạt động kết nối cung - cầu vừa qua còn nhiều tồn tại do cung - cầu chưa gặp nhau. Nhiều đơn vị sản xuất hàng hóa gặp khó khăn trong quá trình đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối hiện đại một cách bền vững, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ nông dân.

Sở dĩ nói vậy là do các doanh nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các nhà phân phối về chất lượng, tính an toàn và sản lượng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chưa chủ động tiếp cận với các nguồn hàng ổn định và có chất lượng.

Ông Phạm Đình Đoàn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phú Thái, thẳng thắn chỉ ra doanh nghiệp phân phối sẽ ưu tiên hơn cho hàng hóa tại nguồn với những lợi thế lớn về khoảng cách địa lý, giá thành, phù hợp với văn hóa tiêu dùng của địa phương…, nhưng nếu những yếu tố đó hàng nước ngoài làm tốt hơn thì hàng Việt Nam sẽ bị "đánh bật."

Vì vậy, không phải là doanh nghiệp phân phối ưu tiên cho sản phẩm nào mà liệu doanh nghiệp Việt có dám đầu tư công nghệ để sản xuất ra hàng hóa chất lượng cao đưa vào hệ thống phân phối hay không.

Là một trong những đơn vị tham gia cuộc vận động từ những ngày đầu tiên, ông Lương Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Khóa Việt Tiệp, chia sẻ công ty đã đầu tư khoa học công nghệ, thay đổi mẫu mã để sản phẩm không chỉ tốt, bền mà còn đẹp. Hơn nữa, dù các chi phí tăng lên nhiều, nhưng Việt Tiệp chủ trương không tăng giá nên sản phẩm vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo ông Lương Văn Thắng, mới đây Việt Tiệp đã sản xuất nhiều sản phẩm mới, lạ như khóa vân tay, khóa thần tài. Vì vậy, trên 90% sản phẩm của khóa Việt Tiệp đã được tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa, doanh thu tăng mạnh từng năm.

Nằm trong “guồng quay” mở rộng hệ thống phân phối, trong hai năm qua, Tổng công ty May 10 đã cho ra đời hàng loạt các trung tâm thời trang riêng tại Linh Đàm (quận Hoàng Mai), Centurion Group (quận Long Biên).

Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết các trung tâm của Tổng công ty được xây dựng theo các tiêu chí: “Thời trang châu Âu, công nghệ Nhật Bản, tiện dụng Mỹ, nhưng giá cả Việt Nam và mang đậm phong cách Việt.” Dịch vụ may đo sơ mi và veston tiếp tục hoàn thiện hơn để phục vụ khách hàng.

Hiện tại, Tổng công ty đang chú trọng vào các đối tượng khách hàng là doanh nhân thành đạt, cán bộ, công nhân viên chức, may đồng phục cho các tổng công ty nhà nước và hướng tới thị trường nông thôn.

Để trợ sức cho doanh nghiệp Việt, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” khẳng định Bộ Công Thương sẽ tăng cường triển khai các giải pháp hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm; ưu tiên các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương; dành nguồn vốn khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp, làng nghề.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc, cho thấy phong trào vận động người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa đã tạo ra những thương hiệu vang danh thế giới như Toyota, Samsung…, nhưng để người tiêu dùng chọn mua, hàng hóa đó phải có chất lượng.

"Giai đoạn tới, doanh nghiệp phải chủ động sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, chinh phục lòng tin của người tiêu dùng. Nhà nước sẽ quan tâm, ưu tiên hỗ trợ bằng cách đẩy mạnh chống hàng nhái, hàng giả, xây dựng cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động chứ không làm thay hoặc mãi vận động người tiêu dùng ưu tiên. Cốt lõi của cuộc vận động trong giai đoạn tới chính là doanh nghiệp và sản phẩm chất lượng,” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.