Cuộc khủng hoảng sữa tại Pháp vẫn chưa có hồi kết khi các cuộc thương lượng giữa tập đoàn Lactalis - tập đoàn sữa hàng đầu thế giới - với các nghiệp đoàn nông nghiệp nước này tiếp tục bế tắc.
Kể từ ngày 22/8, các nông dân sản xuất sữa Pháp đã tập trung phản đối trước trụ sở Lactalis ở thành phố Laval, Tây Bắc nước Pháp và đã quyết định mở rộng phong trào phản đối này ở quy mô toàn quốc.
Phát biểu trước báo giới ngày 28/8, Chủ tịch Nghiệp đoàn các nhà xuất khẩu nông nghiệp quốc gia Pháp (FNSEA) cho biết đang cân nhắc về một kế hoạch hành động cấp quốc gia nhằm đi đến một thỏa thuận với Lactalis.
Theo thông báo của FNSEA và Liên đoàn các nhà sản xuất sữa Pháp (FNPL), kể từ khi Liên mình châu Âu (EU) xóa bỏ chính sách áp dụng hạn ngạch sữa hồi tháng 4/2015, các nhà sản xuất sữa Pháp bị thua thiệt, cụ thể giá sữa giảm xuống 30%.
Trong khi đó, doanh thu của Lactalis tăng và lên đến 17 tỷ euro vào năm 2015, nhưng chỉ chi trả cho các nhà sản xuất sữa 265 euro/1.000 lít so với 363 euro/1.000 lít vào năm 2014. Các nhà sản xuất cũng yêu cầu định lại giá mua sữa, cũng như yêu cầu Lactalis phải đàm phán về giá mua.
Tuy nhiên, Giám đốc truyền thông của Lactalis, Michel Nalet cho biết cuộc khủng hoảng này là một cuộc khủng hoảng sản xuất thừa. Theo ông, chỉ có ở Pháp là các nghiệp đoàn nông nghiệp từ chối thừa nhận thực tế của thị trường và quy chụp điều này cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Stéphane Le Foll cho rằng điều không thế chấp nhận được là Lactalis - tập đoàn sữa số 1 thế giới, lại trả giá thấp nhất trong số các nhà thu mua sữa Pháp.
Vòng đàm phán đầu tiên diễn ra ngày 25/8 đã rơi vào thất bại do hai bên không nhượng bộ. Lactalis không thừa nhận những cáo buộc của các nghiệp đoàn và giải thích giá mua giảm là do cuộc khủng hoảng sản xuất thừa. Cuộc đàm phán tiếp theo diễn ra ngày 26/8 cũng thất bại mặc dù Lactalis đề nghị tăng giá mua lên 269 euros/1.000 lít./.