Cuộc sống của người dân Nghệ An, Thanh Hóa nơi vùng ngập nước

Đến sáng 14/10, mực nước sông Lam trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có xu hướng giảm dần, tuy nhiên hàng ngàn hộ dân ngoài đê vẫn bị ngập nước.
Cuộc sống của người dân Nghệ An, Thanh Hóa nơi vùng ngập nước ảnh 1Các lực lượng tiến hành gia cố chân đê và mặt ngoài đê. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Đến sáng 14/10, mực nước sông Lam trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có xu hướng giảm dần, tuy nhiên hàng ngàn hộ dân ngoài đê của các xóm thuộc các xã Hưng Lam, Hưng Nhân và Hưng Lợi thuộc huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) vẫn bị ngập nước. Cuộc sống của người dân nơi đây đang gặp nhiều khó khăn.

Gia đình bà Trần Thị Xuân, xóm 9, xã Hưng Lam huyện Hưng Nguyên đã gắn bó với sông nước hàng chục năm nay, từ khi sinh ra, lớn lên cho đến nghề mưu sinh của gia đình hiện nay cũng đều phụ thuộc vào sông nước. Do ở ngoài đê sông Lam nên mỗi khi lũ về, mực nước dâng cao rất nhanh khiến không ít lần gia đình bà trở tay không kịp.

Trận lũ này cũng vậy, nước dâng nhanh quá bất ngờ khiến cho gia đình bà Trần Thị Xuân bị cuốn trôi đi không ít tài sản của gia đình. Hiện nay, bà Xuân cùng gia đình phải dùng phương tiện là thuyền mới có thể vào được trong nhà.

“Gia đình tôi ở đây đã hàng chục năm rồi, mỗi lần lũ lụt là rất khổ cực. Nước lũ lên nhanh, đặc biệt là vào ban đêm nếu không cảnh giác sẽ bị nước lũ cuốn đi ngay. Đồ đạc thì có lúc cũng không kịp di chuyển lên trên đê được" Bà Trần Thị Xuân chia sẻ.

Cùng chung cảnh ngộ với bà Xuân là gia đình ông Cao Xuân Trí, xóm 6, xã Hưng Lam. Căn nhà hai tầng được xây dựng khá kiên cố của gia đình anh bây giờ nước lũ đã ngập gần hết tầng 1. Hiện nay, mọi sinh hoạt của gia đình ông Trí với 5 con người đều tập trung ở tầng 2 với ngổn ngang đồ đạc.

“Nước lũ đổ về nhanh quá, chiều mùng 9/10 mực nước đang ở mức thấp nhưng đến tối nước lũ đã đổ về khiến mực nước sông Lam dâng lên cao một cách khủng khiếp. Do quá bất ngờ nên nhiều tài sản, đồ đạc của gia đình cũng đã bị hư hại và bị lũ cuốn đi. Hiện, mọi sinh hoạt của gia đình đang gặp nhiều khó khăn, đảo lộn,” ông Cao Xuân Trí cho biết.

Hưng Lam là xã vùng sâu trũng của huyện Hưng Nguyên với 3/10 xóm (khoảng 275 hộ dân, gần 600 nhân khẩu) sinh sống khu vực ngoài đê Tả Lam vẫn bị ngập nước. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp và đánh bắt cá trên sông nên mỗi khi lũ về gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Trần Văn Duyệt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hưng Lam cho biết: “Hiện nay, có 3 xóm 6,7,9 của xã Hưng Lam cho đến thời điểm hiện tại vẫn ngập sâu trong nước. Nguyên nhân là do ba xóm này chỉ có duy nhất một con đường độc đạo là đi qua cầu tràn 27, nên khi nước tràn về họ bị cô lập giữa sông nước”.

Ông Duyệt cũng cho biết thêm, trước khi lũ về, Ban chỉ huy phòng chống bão lụt của xã đã có phương án cho người già, trẻ em sơ tán nên trong đợt lũ vừa qua không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, 5ha diện tích rau màu vùng bãi bị hỏng hoàn toàn, diện tích đất sản xuất nông nghiệp cạnh sông Lam cũng bị sạt lở nghiêm trọng.

Theo nhận định, một trong hai ngày tới nước sẽ rút, nên chính quyền xã Hưng Lam đã lên phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện ra quân dọn vệ sinh môi trường, khử khuẩn nguồn nước sinh hoạt, kiểm tra các khu vực đất đai sạt lở nhằm ổn định cuộc sống cho người dân sau khi nước rút.

Hiện tại, trên địa bàn Nghệ An không còn mưa, nhưng nước từ thượng nguồn vẫn tiếp tục đổ về. Đến sáng ngày 14/10 một số địa phương của huyện Hưng Nguyên, Tân Kỳ, Thanh Chương, Quỳnh Lưu vẫn bị ngập nước. Có 6 điểm trường học ở khu vực ngoài đê Tả Lam, huyện Hưng Nguyên, bị ngập sâu, phải cho học sinh nghỉ học. Theo nhận định, chiều ngày 14/10 nếu không có mưa lớn, nước lũ trên các sống sẽ giảm dần.

Đến thời điểm hiện nay, tại Nghệ An, áp thấp nhiệt đới đã làm 9 người chết và mất tích. Mưa lũ cũng đã làm thiệt hại 207,5 ha cây trồng lâu năm và 296,85ha cây ăn quả; hàng ngàn con gia súc, gia cầm bị chết.

Tỉnh Nghệ An đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai phương án phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; các vị trí có nguy cơ sạt lở, ngầm, tràn, tắc đường để cảnh báo cho nhân dân biết; sẵn sàng triển khai phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, đặc biệt là hệ thống đê điều, các khu tập trung dân cư ở bãi sông, khu vực thấp trũng, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét để sẵn sàng triển khai ứng phó.

Cuộc sống của người dân Nghệ An, Thanh Hóa nơi vùng ngập nước ảnh 2Nước ngập vào nhà dân xã Tượng Sơn (huyện Nông Cống). (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Ngày 14/10, sau 4 ngày bị cô lập và chia cắt hoàn toàn, phóng viên đã tiếp cận được với vùng lũ Nông Cống (Thanh Hóa), nơi có 25/32 xã bị ngập nặng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới vừa qua. Do mực nước rút chậm, hiện tại, huyện Nông Cống vẫn còn 3 xã vùng tâm lũ gồm Tân Khang, Trung Chính, Vạn Thiện vẫn đang trong trong tình trạng ngập sâu, bị cô lập và chia cắt hoàn toàn. Hiện cuộc sống của người dân vùng lũ nơi này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Là một trong những xã bị ngập sâu nhất sau ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, đến nay, xã Tân Khang, huyện Nông Công vẫn đang còn hai thôn với hàng trăm nhân khẩu bị cô lập hoàn toàn. Toàn bộ tuyến đường liên xã đã bị ngập sâu từ 2 đến 3m, có nơi ngập đến 5m, giao thông đi lại gặp rất nhiều khó khăn.

Hàng trăm ngôi nhà bị cô lập do nước lũ bao quanh, có nhà nước dâng vào sâu từ 15-20 cm. Những gia đình bị ngập sâu đã được chính quyền và các lực lượng chức năng sơ tán, di dời đến khu vực an toàn.

Biển nước cũng đã nhấn chìm toàn bộ diện tích lúa chưa thu hoạch hết và hoa màu của người dân nơi đây. Mặc dù đã được thông báo về những diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, tuy nhiên do nước lũ dâng quá nhanh, người dân không kịp trở tay.

Nhiều hộ nuôi cá trên địa bàn ngậm ngùi nhìn hàng chục tấn cá trôi theo dòng nước lũ. Các hộ chăn nuôi lớn theo mô hình tập trung, trang trại “khóc ròng” vì hàng nghìn gia súc, gia cầm bị dòng nước lũ cuốn trôi.

Với 6,5ha ao, gia đình anh Nguyễn Văn Sỹ, thôn 7 xã Tân Khang nuôi 2,5 nghìn cá trắm, 8 vạn cá gáy, 2 vạn cá rô phi… tất cả đã đến thời kỳ thu hoạch. Mặc dù đã dùng phương án vây lưới quanh ao để chắn cá, tuy nhiên, do mưa lớn kéo dài, hồ thủy điện xả lũ cộng với triều cường lên nhanh, gia đình anh đành bất lực nhìn hơn 30 tấn cá trôi theo dòng nước lũ.

Gia đình anh Nguyễn Văn Đề, xóm 7, xã Tân Khang, Nông Cống đã vay mượn ngân hàng mạnh dạn đầu tư trang trại chăn nuôi vịt gốc, gà kết hợp nuôi cá. Tuy nhiên, nước lũ dâng quá nhanh, gia đình anh mất trắng 500 con vịt gốc, hàng trăm con gà đẻ trứng bị chết do không di chuyển kịp. Ngoài ra, mưa lũ tràn vào ao cuốn theo hơn 4 tạ cá đến thời kỳ thu hoạch của gia đình anh…

Không chỉ tại xã Tân Khang, hiện nay trên địa bàn huyện Nông Cống vẫn còn hai xã với 4 thôn vẫn đang bị cô lập hoàn toàn. Các tuyến đường vào xã bị nước lũ bao quanh, phương tiện duy nhất để tiếp cận vào xã là thuyền, bè, ca nô, nên công tác cứu trợ cũng gặp không ít khó khăn khi tiếp cận để đưa hàng cứu trợ.

Tuy nhiên, những ngày qua, Ủy ban Nhân dân huyện Nông Cống đã chỉ đạo các địa phương nỗ lực huy động lực lượng phòng chống lụt bão xuống các thôn nằm trong vùng bị ngập lụt, đưa người già, neo đơn, gia đình chính sách ra khỏi vùng ngập. Các địa phương đã kịp thời phối hợp với các lực lượng cứu trợ đưa mỳ tôm, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết đến với đồng bào vùng lũ, đảm bảo không ai bị đói trong những ngày này…

Theo báo cáo nhanh của Ủy ban Nhân dân huyện Nông Cống, đến nay, mưa lũ đã làm 1 người chết; hơn 5.000 hộ bị ngập, trong đó có 487 hộ phải di dời khẩn cấp. Thiệt hại về người và tài sản ước tính hơn 4,6 tỷ đồng… Ngoài ra, mưa lớn kết hợp với việc xả lũ cống Hoàng Kim trên sông Hoàng, xả lũ hồ Yên Mỹ trên sông Thị Long cộng với triều cường dâng cao khiến cho 25/32 xã của huyện Nông Cống ngập sâu trong nước.

Các tuyến đê bối, đê bao bị tràn gây ngập sâu như đê Ngọc Lẫm xã Trường Giang; đê làng Thị Xương xã Tượng Văn; đê bao Tế Độ, Kỳ Đà xã Tế Nông; đê sông Nhơn đoạn qua các xã Tân Thọ, Tân Khang, Trung chính, Trung thành... Trong số 25 xã bị ngập, có một số xã ngập nặng như làng Bòng, làng Kén, làng Cát Lễ xã Tượng Sơn; thôn Đồng Cốc xã Công Bình; thôn Tế Độ, xã Tế Nông; hai thôn xã Vạn Thiện; 3 thôn xã Tân Khang, 3 thôn xã Trung Chính, 2 thôn xã Tân Thọ và ngập lụt cục bộ một số điểm trên địa bàn...

Hiện nay, Ủy ban Nhân dân huyện Nông Cống vẫn đang tập trung lực lượng cứu trợ kịp thời cho các hộ dân vùng ngập lụt, vùng bị cô lập về nước lũ; thăm hỏi động viên các gia đình có nạn nhân bị chết. Trong đó, Hội Chữ Thập đỏ và các doanh nghiệp đã cứu trợ kịp thời 2.000 chai nước uống, hơn 5.000 thùng mỳ tôm cho nhân dân vùng lũ cùng nhiều nhu yếu phẩm cần thiết khác.

Để khắc phục hậu quả sau mưa lũ, Ủy ban Nhân dân huyện Nông Cống đã ban hành công văn trực tiếp chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các xã tăng cường các biện pháp chống dịch, đảm bảo vệ sinh môi trường sau lũ; cung ứng kịp thời hoá chất xử lý nước sinh hoạt, nước giếng khơi cho các xã bị cô lập và ngập nặng…./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục