Cuối mùa nước nổi, Đồng Tháp nhộn nhịp đón mùa cá ra sông

Không khí đánh bắt cá vào những ngày cuối mùa lũ ở các địa phương đầu nguồn của Đồng Tháp khá nhộn nhịp, người dưới sông tất bật bắt cá, thương lái trên bờ đón mua.
Cuối mùa nước nổi, Đồng Tháp nhộn nhịp đón mùa cá ra sông ảnh 1Người dân vùng đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp tranh thủ bắt cá trong những ngày cá từ đồng ruộng bơi ra các nhánh sông. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Những ngày qua, nước lũ tại vùng thượng nguồn của tỉnh Đồng Tháp rút nhanh. Nhiều cánh đồng đã xả nước ra để người dân làm đất, chuẩn bị xuống giống vụ lúa Đông Xuân.

Theo dòng nước, những loại thủy sản trên đồng ruộng bắt đầu bơi ra các nhánh sông, kênh, rạch. Đây cũng là thời điểm hoạt động đánh bắt thủy sản của người dân vùng đầu nguồn diễn ra nhộn nhịp, mang lại khoản thu nhập khá cho bà con.

Hiện nay, trên nhiều cánh đồng ở huyện Hồng Ngự có đê bao bảo vệ, chủ động nước tưới tiêu. Tại những miệng cống thoát nước, dòng nước từ đồng ruộng chảy ra sông. Tận dụng điều này, một số nông dân dùng lưới hứng ở ngay miệng cống để bắt cá, tôm.

Người dân cho biết mỗi ngày họ hứng tại cống được vài chục kg cá các loại. Tuy thu hoạch nhiều nhưng cách làm này chỉ có thể diễn ra trong vài ngày trước khi khi nước trên đồng rút cạn. Khi nước lũ rút, người dân sống bằng nghề chài, lưới cũng dời địa điểm làm ăn từ trên đồng xuống sông.

Nếu như đánh bắt cá trên đồng vào mùa lũ sử dụng các biện pháp như đặt dớn, đẩy côn, đặt lợp thì khi cá ra sông lại sử dụng những biện pháp khác là quăng chài, thả lưới, giăng câu…

Gần 2 tuần nay, trên sông Sở Thượng (đoạn qua xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự), không khí đánh bắt cá nhộn nhịp cả khúc sông. Bằng một số loại ngư cụ truyền thống, người dân bắt được nhiều loại cá như cá chạch, cá lăng, cá chốt, cá mè… mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Ông Nguyễn Văn Sớt ở xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự bắt cá bằng cách thả lưới với chiều dài đoạn lưới hơn 100m, bình quân mỗi ngày thu hoạch trên 10kg cá, chủ yếu là cá mè.

[Phát triển nghề nuôi biển công nghiệp từ cá mú trân châu]

Còn ông Trần Văn Ý cùng ở xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự bắt cá bằng cách quăng chài. Ông Ý phấn khởi cho hay, mùa lũ năm nay, tôm cá về nhiều hơn các năm trước. Bây giờ cuối mùa nước nổi, ông tranh thủ đánh bắt cá từ trên đồng ra sông, mỗi ngày thu nhập vài trăm nghìn đồng.

Ông Dương Văn Thành, trú tại xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự và các thành viên trong gia đình cũng tất bật đánh bắt cá vào cuối mùa lũ.

Ông Thành có hơn 40 năm theo nghề đánh bắt cá, tôm tự nhiên - nghề “bà cậu.” Hằng ngày, từ 6 giờ sáng đến khoảng 14 giờ chiều, ông đi chài cá trên kênh Tứ Thường (thuộc huyện Hồng Ngự).

Ông bắt được nhiều loại cá nhưng chủ yếu là cá chạch, bữa nào ít, cũng được khoảng 4kg, còn hôm trúng thì được 20kg với giá bán từ 130-180.000 đồng/kg.

Ông Dương Văn Thành cho biết mùa lũ năm nay, vùng đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp có mực nước lên cao nên cá tôm theo con nước cũng về nhiều.

Hiện giờ là cuối mùa lũ, cá tôm từ đồng ruộng bơi ra sông, ông tranh thủ đánh bắt. Làm nghề “bà cậu” nên phải chịu hên-xui, bữa trúng bữa ít nhưng bình quân mỗi ngày cũng có thu nhập hơn 1 triệu đồng, góp phần trang trải cuộc sống.

Không khí đánh bắt thủy sản vào những ngày cuối mùa lũ ở các địa phương đầu nguồn của Đồng Tháp khá nhộn nhịp. Người dưới sông tất bật bắt cá, thương lái trên bờ đón mua.

Mọi người đều vui vẻ vì có thêm một khoản thu nhập kha khá vào cuối mùa nước nổi rồi quay lại với nhịp sống và sản xuất bình thường, rồi chờ đợi, hy vọng sẽ tiếp tục có mùa lũ “đẹp” vào năm sau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.