Chiều 2/3, Ban Cán sự đảng phối hợp với Đảng ủy Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền những tư tưởng chủ đạo, nội dung cơ bản, cốt lõi trong cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến đến 96 điểm cầu các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Giới thiệu những nội dung căn bản của cuốn sách, ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, cho biết cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xuất bản và ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban.
Đây là cuốn sách có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cả về lý luận và thực tiễn đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.
[Sách của Tổng Bí thư: Tiền đề cho luật pháp về phòng, chống tham nhũng]
Việc xuất bản, phổ biến, tuyên truyền về cuốn sách nhận được sự đồng tình, ủng hộ, cổ vũ của chính khách, học giả, đại biểu quốc hội, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, trong đó có cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.
Cuốn sách gồm 3 phần: Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam; Nhất quán phương châm “Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc”; Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt.
Với 612 trang sách, hơn 100 hình ảnh minh họa, cuốn sách được chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, cẩn trọng và kỹ lưỡng với tinh thần trách nhiệm cao.
Nội dung cuốn sách là tập hợp các bài viết tổng quan công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn phong phú, thể hiện sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện và đầy sức thuyết phục của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, góp phần làm sáng rõ bước phát triển nhận thức, tư duy lý luận của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng quan chung về cuốn sách, ông Nguyễn Thái Học đã khái quát 5 giá trị cốt lõi và 8 bài học kinh nghiệm qua nội dung cuốn sách; trong đó, giá trị nổi bật là cuốn sách trở thành “cẩm nang” về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam; phản ánh sinh động cuộc đời hoạt động cách mạng vô tư, trong sáng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ khi còn trẻ đến cương vị người đứng đầu Đảng ta, tấm gương mẫu mực, giản dị, nói đi đôi với làm, hết lòng vì nước, vì dân.
Ông Nguyễn Thái Học nhấn mạnh thông qua hội nghị này, các cán bộ ngoại giao có thể thông tin đến với bạn bè quốc tế, để bạn bè quốc tế hiểu rõ và ủng hộ về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam.
Đồng thời, đây cũng là dịp để các cán bộ ngoại giao trang bị cơ sở lý luận và thực tiễn để phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; củng cố niềm tin, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các nước vào sự lãnh đạo của Đảng ta đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền nội dung cuốn sách nhằm nâng cao nhận thức, tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ; đồng thời vận dụng quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư vào thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Đảng ủy Bộ Ngoại giao luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trước những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn phát triển mới của ngành Ngoại giao, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Bộ Ngoại giao tiếp tục được đẩy mạnh toàn diện, quyết liệt hơn nhằm góp phần xây dựng ngành Ngoại giao thật sự trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn yêu cầu ngành Ngoại giao tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa chủ trương, chính sách, bài học kinh nghiệm, phương hướng, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Các cấp ủy, tổ chức, cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ Bộ Ngoại giao tiếp tục tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền nội dung cuốn sách đến từng cán bộ, đảng viên.
Đồng thời, cán bộ, đảng viên trong ngành Ngoại giao cần nghiêm túc học tập, nghiên cứu để nắm vững "hồn cốt," nội dung cốt lõi của cuốn sách, trong đó quán triệt phương châm “Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc,” trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt.
Cùng với đó, việc nghiên cứu, học tập và quán triệt chỉ là bước đầu, điều quan trọng là phải triển khai, vận dụng đúng đắn, sáng tạo trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bộ trưởng mong cán bộ, đảng viên trong ngành Ngoại giao từ "học thật" cần chuyển hóa thành "làm thật" để mang lại những "kết quả thật."
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức đảng, các Bí thư cấp ủy, Thủ trưởng các đơn vị và các Cơ quan đại diện cần có các kế hoạch, biện pháp thiết thực và cụ thể về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay tại đơn vị, cơ quan mình; nhất là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, nắm bắt dư luận, phát hiện và ngăn chặn từ sớm, từ xa và hiệu quả mọi biểu hiện tham nhũng, tiêu cực.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn yêu cầu các Bí thư, Thủ trưởng các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa bàn có hình thức phù hợp tuyên truyền, phổ biến nội dung cuốn sách tại địa bàn để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu đúng và rõ hơn chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta cũng như bản chất cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.
Cùng với đó, đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam, từ đó tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của kiều bào ta và cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp phát triển của đất nước ta.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh quán triệt sâu rộng việc đổi mới tư duy, phong cách, lề lối làm việc trong giai đoạn phát triển mới của ngành Ngoại giao; nhất là, triển khai đồng bộ, hiệu quả cả nhiệm vụ đối ngoại và nhiệm vụ xây dựng, phát triển ngành Ngoại giao.
Đặc biệt, tiếp tục quán triệt tư duy phục vụ, trong đó cán bộ, đảng viên trong ngành Ngoại giao tận tâm phấn đấu trong mục đích, lý tưởng của Đảng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân trong lĩnh vực đối ngoại, đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc; tăng cường xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy trình công tác, bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học.
Từng cán bộ, đảng viên trong ngành Ngoại giao không ngừng rèn luyện bản lĩnh, tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với lợi ích quốc gia- dân tộc, "dĩ công vi thượng," cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.
Ông Bùi Thanh Sơn cho rằng để "phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc," điều cốt yếu là mỗi cán bộ, đảng viên phải biết giữ mình trong sạch, lấy đạo đức cách mạng là "gốc," "tâm" có sáng, thì hành động mới đúng đắn, tỉnh táo trước sự tác động, lôi kéo của tham nhũng, tiêu cực./.