Cựu chiến binh Hoàng Văn Hiển: "Tự hào vì tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ"

Cựu chiến binh Hoàng Văn Hiển - chiến sỹ Điện Biên năm xưa - bày tỏ: "Thế hệ chúng tôi mong con cháu hôm nay và mai sau sẽ đứng lên, ngẩng cao đầu bước tới với tinh thần Điện Biên Phủ bất diệt."

Ông Hoàng Văn Hiển đọc những trang sử hào hùng của dân tộc. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)
Ông Hoàng Văn Hiển đọc những trang sử hào hùng của dân tộc. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Dù ở tuổi 90, ông Hoàng Văn Hiển, ngụ phường 4, thành phố Tân An, tỉnh Long An, vẫn nhớ như in những ký ức của 70 năm trước, khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, cha dạy chữ nho, chữ quốc ngữ và bốc thuốc đông y, mẹ tảo tần làm ruộng ở xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh nghệ An, thiếu niên Hoàng Văn Hiển sớm hiểu cảnh cơ cực dưới ách thống trị của thực dân Pháp.

Suy nghĩ “chỉ có đánh đuổi quân xâm lược mới đem lại hạnh phúc cho người dân” sớm đã nhen nhóm trong đầu Hoàng Văn Hiển.

Nên năm 14 tuổi, ông tham gia kháng chiến với khởi đầu làm giao liên cho Ty Quân giới Liên khu 4 để “chờ” đủ tuổi vào quân đội.

Thời gian sau, Liên khu 4 dốc sức cùng các địa phương khác đảm bảo hậu cần cho đại quân ta đánh Điện Biên Phủ, thanh niên Hoàng Văn Hiển liền tham gia lực lượng thanh niên xung phong lên đường ra trận phục vụ chiến đấu trong đội hình của Đại đội 35 (C35), Tổng đội 34 thanh niên xung phong.

Năm 1954, khi 19 tuổi, chàng trai Văn Hiển là một trong số những chiến sỹ mới trẻ tuổi vinh dự tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong đợt cuối cùng của Chiến dịch.

TTXVN_1604cuuchienbinh2.jpg
Ông Hoàng Văn Hiển xem lại tấm ảnh kỷ niệm của đồng đội. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Nhớ lại thời điểm này, ông Hoàng Văn Hiển cho hay cứ 4 ngày hành quân ban đêm đoàn lại nghỉ một ngày. Suốt chặng đường dài 500-600 km, vượt qua biết bao đèo cao, suối sâu, vực thẳm, chống chọi với muỗi, vắt, thú dữ và máy bay, biệt kích, thổ phỉ... nhưng với ý chí, nghị lực, sức trẻ, đại đội của ông đã hành quân đến đích an toàn, đúng hạn định.

Vẫn vẹn nguyên ký ức về Điện Biên, ông Hiển kể khoảng 20 giờ 30 phút, ngày 6/5/1954 khi chiến dịch vừa mở màn, pháo cối của ta bắn dữ dội vào các cứ điểm toàn mặt trận.

Đại đội 35 của ông thuộc Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98 được phân công đánh vào một góc phải ngọn đồi C2 do Đại đội trưởng Thành trực tiếp chỉ huy đội hình chiến đấu. Quân ta ào ào tấn công như vũ bão vào Đồi C2, khi địch đang ngoan cố, dai dẳng bám giữ.

Lúc này, Trung đội bộc phá được phân công đi đầu phá hủy nhiều tầng lớp dây thép gai dày đặc, bọn địch trong lô cốt bắn ra ác liệt làm một số đồng chí thương vong, nhưng không vì thế, quân ta chùn bước.

Lệnh Đại đội trưởng mở đợt phản kích, cả Ban Chỉ huy đại đội cùng các chiến sỹ trung liên, tiểu liên, súng trường lưỡi lê, lựu đạn dũng cảm xông lên quần nhau ác liệt với địch, thọc sâu xông vào các ngả hầm, lô cốt đánh giáp lá cà. Cả phía quân ta và phía địch đều thương vong nặng, nhưng lúc đó các chiến sỹ của ta vẫn dũng cảm lao về phía trước với quyết tâm “chỉ tiến chứ không lùi!”

Những chớp lửa lớn như sấm sét, kèm theo tiếng nổ long trời lở đất, bộ đội ta xông lên đập tan hoàn toàn sức kháng cự của địch, làm chủ đồi A1. Chiến thắng ở cứ điểm đồi A1, sau đó là C2 đã tạo điều kiện thuận lợi để Bộ Chỉ huy chiến dịch tổ chức trận tổng công kích vào Sở Chỉ huy tập đoàn cứ điểm và các mục tiêu còn lại ở khu trung tâm.

15 giờ ngày 7/5/1954, ta mở trận tổng công kích trên toàn mặt trận. 17 giờ 30 phút cùng ngày, De Castries và toàn bộ Bộ Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ bị bắt sống. Chiến dịch Ðiện Biên Phủ toàn thắng.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục và anh dũng, Ðại đoàn 316 đã góp phần xứng đáng cùng các lực lượng trên toàn mặt trận đập tan tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ.

Đang say sưa kể về chiến thắng, chợt nhớ đến đồng đội, giọng ông chùng xuống rưng rưng: “Khốc liệt lắm, có người vừa tươi cười với mình hôm trước, hôm sau đã hy sinh. Tôi rất thân với anh Lân - đồng hương Nghệ An. Hai anh em hẹn nhau sau chiến thắng thì trở về cùng đi học, ấy vậy mà anh đã ra đi!”

Nói về kỷ niệm đẹp nhất của mình, ông Hiển cho biết đó là khi ông và anh em trong đơn vị được gặp anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Hôm đó, ông cùng đồng đội đang làm nhiệm vụ thu chiến lợi phẩm sau trận đánh, Đại tướng đã ân cần dặn dò: “Anh em phải cẩn thận mìn, đồ hộp phồng hơi (hết hạn sử dụng), đừng ăn kẻo đau bụng nhé!”

Chỉ đôi câu ngắn gọn nhưng đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của “người anh Cả” đối với chiến sỹ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông bất ngờ được chọn vào đơn vị làm nhiệm bảo vệ Bác Hồ. "Lúc ấy, cảm xúc của tôi như vỡ òa, vui mừng xen lẫn vinh dự, tự hào," ông Hiển chia sẻ.

Những năm tháng được sống bên Bác, ông xem đó là quãng đời đẹp nhất của mình. Người chiến sỹ Điện Biên năm xưa bồi hồi nhớ lại: “Khi chính thức được nhận nhiệm vụ đặc biệt “bảo vệ lãnh tụ,” tất cả anh em ai cũng xúc động. Dù không nói ra nhưng ai cũng lo vì nhiệm vụ quá lớn, nhưng tất cả đều quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Khi được hỏi về cảm xúc trong quá trình tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Hoàng Văn Hiển chia sẻ: “Tôi là chiến sỹ mới, chỉ được tham gia một trận đánh trong đợt cuối cùng của Chiến dịch. Song, tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào vì đã được góp một phần công sức nhỏ bé trong thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

Nay đã vào tuổi 90, bất kỳ khoảnh khắc nào nhớ về đồng đội và cuộc chiến đấu khốc liệt năm xưa, cũng làm ông không khỏi xúc động: "Tôi là người may mắn trở về, nhưng đồng đội tôi - lớp lớp người đã ngã xuống, máu đã thắm đỏ cho vùng đất Điện Biên Phủ hôm nay được thay da đổi thịt và phát triển, cho mỗi người dân chúng ta thêm tự hào về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.”

Bây giờ, cứ mỗi lần nhớ chiến dịch năm xưa, ông Hoàng Văn Hiển lại lật giở từng trang nhật ký, hay những bức ảnh nhạt nhòe theo năm tháng để kể lại cho con cháu, hoặc các hội viên Hội Cựu chiến binh.

Ông Lượng Thanh Chức, Hội Cựu chiến binh phường 4, thành phố Tân An cho biết Hội rất vinh dự vì còn một hội viên là chiến sỹ Điện Biên xưa. Ông Hoàng Văn Hiển là một nhân chứng lịch sử của Quân đội Nhân dân Việt Nam để các thế hệ cựu chiến binh, các em thiếu nhi, học sinh có điều kiện được lắng nghe, thấu hiểu khát vọng giành độc lập của ông, cha ta.

Chỉ còn hơn 20 ngày, lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức, ông Hoàng Văn Hiển mong nhanh chóng được về thăm lại chiến trường xưa.

Ông tâm sự: “Đã 70 năm trôi qua, nhưng dư âm của chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại vẫn còn đến tận hôm nay và mãi mãi về sau. Thế hệ chúng tôi mong con cháu hôm nay và mai sau sẽ đứng lên, ngẩng cao đầu bước tới với một tinh thần Điện Biên Phủ bất diệt, trước sự nghiêng mình thán phục của quân thù cũng như bạn bè thế giới”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục