Cựu Đại sứ Mỹ: Chính phủ Việt Nam đang điều hành tốt nền kinh tế

Việt Nam chủ động tích cực hội nhập cộng đồng quốc tế và quan tâm thúc đẩy quan hệ thương mại với Mỹ. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục tăng và ngày càng có nhiều các công ty Mỹ tới Việt Nam.
Cựu Đại sứ Mỹ: Chính phủ Việt Nam đang điều hành tốt nền kinh tế ảnh 1Sản xuất đồ gia dụng, nhà bếp và đồ chơi bằng gỗ cho thị trường trong nước và xuất khẩu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Chính phủ Việt Nam đang điều hành rất tốt hoạt động kinh tế, đưa nền kinh tế Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-ASEAN, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osi đã đưa ra nhận định trên trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Washington. 

Tại cuộc phỏng vấn, Chủ tịch Ted Osi nêu rõ Ngân hàng Thế giới đã dự báo trong năm nay, tăng trưởng của kinh tế Việt Nam có thể đạt 7,5%.

[Chọn đúng và trúng nội dung tham mưu điều hành kinh tế vĩ mô]

Theo ông, việc Việt Nam phục hồi nhanh chóng sau đại dịch COVID là một điều rất tích cực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với rất nhiều khó khăn như lạm phát, khủng hoảng lương thực, năng lượng. 

Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-ASEAN cho rằng Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế.

Việt Nam chủ động tích cực hội nhập cộng đồng quốc tế và quan tâm thúc đẩy quan hệ thương mại với Mỹ. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục tăng và ngày càng có nhiều các công ty Mỹ tới Việt Nam. 

Việt Nam đang tham gia đàm phán Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) với 4 trụ cột chính là thương mại tự do, khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng, năng lượng sạch thông qua giảm phát thải carbon và cơ sở hạ tầng, vấn đề thuế quan và chống tham nhũng.

Ông Ted Osi nhận định nền kinh tế Việt Nam có rất nhiều triển vọng và đánh giá tích cực việc Việt Nam tham gia đàm phán IPEF.

Trong đối phó với những thách thức sắp tới như giá năng lượng, lương thực và lạm phát, ông cho rằng sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu Việt Nam tham gia đàm phán và đưa ra quyết định cùng các đối tác thương mại khác, từ đó Việt Nam sẽ chủ động với những gì mang lại hiệu quả cho nền kinh tế đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.