Cựu Phó Tổng thống Nam Sudan bác âm mưu đảo chính

Cựu Phó Tổng thống Nam Sudan Riek Machar đã bác bỏ cáo buộc rằng chính ông cầm đầu âm mưu đảo chính diễn ra hồi đầu tuần qua.

Ngày 18/12, cựu Phó Tổng thống Nam Sudan Riek Machar đã bác bỏ cáo buộc rằng chính ông cầm đầu âm mưu đảo chính diễn ra hồi đầu tuần qua.

Trả lời phỏng vấn tờ Sudan Tribune, ông Machar nói sự kiện ngày 15/12 vừa qua không phải là một cuộc đảo chính. Những gì diễn ra tại Juba là sự hiểu nhầm giữa các nhóm binh sỹ bất đồng chính kiến thuộc Lực lượng vệ binh cộng hòa.

Ông Machar khẳng định không có quan hệ hay có thông tin gì về bất kỳ âm mưu đảo chính nào.

Cũng theo cựu Phó Tổng thống này, đây là một động thái "phi dân chủ" khác của Tổng thống Salva Kiir nhằm loại bỏ các chỉ trích chính trị trong đảng và chính phủ đương nhiệm.

Trong khi đó, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir cho biết ông sẵn sàng đối thoại với cựu Phó Tổng thống Riek Machar, người mà ông cáo buộc đứng đằng sau âm mưu đảo chính, châm ngòi cho làn sóng bạo lực đẩy quốc gia Bắc Phi này đến bên bờ vực nội chiến.

Ngày 18/12, quân đội Nam Sudan cho biết đã mất quyền kiểm soát một thị trấn chiến lược ở miền Bắc nước này.

Theo người phát ngôn quân đội Philip Aguer, giao tranh đã xảy ra tại hai doanh trại quân đội ở thị trấn Bor, thuộc bang Jonglei, giữa một nhóm binh sỹ thuộc bộ tộc Nuer của cựu Phó Tổng thống Riek Machar và nhóm binh sỹ khác thuộc bộ tộc Dinka trung thành với Tổng thống Salva Kiir.

Theo truyền thông địa phương, thị trấn chiến lược này hiện do lực lượng trung thành với cựu Phó Tổng thống Machar kiểm soát. Ít nhất 19 dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ tại Bor.

Trước những diễn biến căng thẳng tại Nam Sudan, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon  ngày 18/12 cảnh báo có các dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng tại quốc gia Bắc Phi này đang lan rộng.

Phát biểu với báo giới, ông Ban Ki-moon nhận định đây là một cuộc khủng hoảng chính trị và cần phải được giải quyết khẩn cấp thông qua đối thoại.

Tổng thư ký Liên hợp quốc cảnh báo bạo lực đang có nguy cơ lan rộng sang các quốc gia khác.

Theo ông Ban Ki-moon, Liên hợp quốc đang kiểm tra thông tin rằng có hàng trăm người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ giữa các binh sỹ trung thành với Tổng thống Salva Kiir và cựu Phó Tổng thống Riek Machar.

Trong một diễn biến khác, ngày 18/12, các quan chức Mỹ cho biết Washington đã sơ tán 120 người khỏi Nam Sudan trong bối cảnh xung đột vẫn tiếp diễn tại thủ đô Juba.

Trong một thông cáo, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết hai máy bay C-130 của Mỹ và một máy bay thương mại khác đã đưa các nhân viên ngoại giao không có nhiệm vụ cấp thiết, các công dân Mỹ và công dân nước thứ ba rời khỏi Juba.

Theo bà Harf, Washington có thể điều động các chuyến bay bổ sung tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện an ninh.

Trước đó, ngày 17/12, Washington đã ra lệnh cho các nhân viên ngoại giao thuộc diện không quan trọng rời khỏi Juba và hối thúc các công dân Mỹ hiện có mặt tại Nam Sudan rời khỏi nước này ngay lập tức.

Bộ Y tế Nam Sudan cho biết đã có ít nhất 26 người thiệt mạng và hơn 140 người bị thương trong cuộc đụng độ giữa các nhóm binh sỹ đối địch.

Tuy nhiên, theo số liệu của các tổ chức quốc tế, các bệnh viện tại thủ đô Juba được cho là đã tiếp nhận từ 400 đến 500 thi thể sau các đụng độ giữa những phe phái quân sự đối địch tại quốc gia Bắc Phi này.

Khoảng 20.000 người được cho là đang phải tìm nơi ẩn náu tại các cơ sở của Liên hợp quốc quanh thủ đô Juba kể từ khi xảy ra đụng độ ngày 15/12.

Xung đột tại Nam Sudan bùng phát kể từ khi Tổng thống Salva Kiir quyết định giải tán Nội các và cách chức Phó Tổng thống Riek Machar do ông này công khai chỉ trích chính phủ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: Egypt Today)

Tai nạn tàu hỏa gây thương vong ở miền Nam Ai Cập

Theo cơ quan đường sắt Ai Cập, vụ tai nạn xảy ra khi một đầu máy tàu hỏa đâm vào đuôi của một đoàn tàu đang di chuyển từ tỉnh Aswan về thủ đô Cairo, khiến hai toa của đoàn tàu bị tách rời.