Du lịch ở Việt Nam và khu vực hạ nguồn sông Mekong đã bùng nổ trong những năm gần đây.
Đặc biệt, ngành du lịch Việt Nam dự báo sẽ đạt tăng trưởng bền vững với nhiều tuyến du lịch và điểm đến thu hút mới, không chỉ hấp dẫn du khách mà còn có sự đầu tư đến từ công ty trong và ngoài nước.
Cùng với Việt Nam, ngành công nghiệp du lịch ở Myanmar, Campuchia, Lào và Thái Lan cũng đang phát triển mạnh mẽ với phong phú điểm đến du lịch, khách sạn quốc tế mới và những nỗ lực tuyệt vời đến từ các chính phủ để thúc đẩy ngành du lịch.
Do đó, một số chuyên gia cho rằng, ngành du lịch Việt Nam nói riêng và khu vực hạ nguồn sông Mekong đang phát triển lên từng ngày với dư địa thị trường còn rất lớn, có thể thu hút đa dạng dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Michael Duck, Phó Chủ tịch Tập đoàn Informa Makets châu Á cho biết, tại Việt Nam ngày càng có nhiều chuyến bay kết nối những thành phố nội địa cũng như với khu vực và phần còn lại của thế giới.
Đơn cử, Vinpearl Air - một hãng hàng không mới đáng mong đợi sẽ sớm đưa máy bay cất cánh lên bầu trời, sau khi nhận được giấy phép kinh doanh vào tháng 7/2019.
Trước đó, vào tháng 12/2018, Air Asia đã ký một Bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác địa phương tại Việt Nam tái khẳng định ý định thành lập một hãng hàng không giá rẻ tham gia vào thị trường.
Trong thời gian gần đây, cũng nhiều thương hiệu khách sạn quốc tế đã công bố ý định xây dựng thêm khách sạn tại Việt Nam.
[Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng cao trong tháng 8]
Cụ thể, Oyo Hotels & Homes sẽ đầu tư 50 triệu USD để xây dựng 20.000 phòng khách sạn tại 10 thành phố của Việt Nam vào cuối năm 2020.
Còn Eastin Grand Resort Vũng Tàu Việt Nam đặt mục tiêu mở 192 biệt thự và 4.000 cơ sở nghỉ dưỡng vào năm 2022.
Trong khi đó, Centara Hotels & Resort đặt mục tiêu mở ít nhất 20 khách sạn mới tại Việt Nam vào năm 2024...
Hệ thống tàu du lịch sang trọng mới, Mekong Jewel dự kiến sẽ bắt đầu hành trình xuôi dòng sông Mekong vào năm 2020.
Điều này mở ra một thị trường mới với những du khách mong muốn có được kỳ nghỉ sang trọng và độc đáo bằng tàu du lịch từ Việt Nam qua Campuchia, cùng với hành trình ra nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh và Phnom Penh.
Đặc biệt, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã phê duyệt khoản vay 45 triệu USD cho Việt Nam.
Khoản vay này sẽ được sử dụng để phát triển tại các tỉnh Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế thành những điểm du lịch cạnh tranh.
Dự kiến khả năng tiếp cận và cơ sở vật chất được cải thiện sẽ mang lại lợi ích cho người dân những địa phương này với hơn 8 triệu du khách mỗi năm.
Ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài, bà Katerina Giannouka, Chủ tịch Tập đoàn Khách sạn Radisson - khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho hay, bờ biển miền Trung Việt Nam đã và đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất tại châu Á.
Đặc biệt, phố cổ Hội An là nơi mang đến cho du khách sự pha trộn hoàn hảo giữa nét quyến rũ của nền văn hóa cổ kính và sức sống hiện đại của bờ biển.
Đây cũng chính là lý do Tập đoàn Khách sạn Radisson đã tham gia vào một số dự án tại Việt Nam, trong đó có thể kể đến dự án Radisson Blu Hội An.
Trong đó, Tập đoàn Khách sạn Radisson hợp tác với Công ty Indochina Hoi An Beach Villas - thành viên trực thuộc Tập đoàn Bamboo Capital về vận hành dự án, với phong cách phục vụ đảm bảo sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm nghỉ dưỡng thư giãn tuyệt đối theo tiêu chuẩn 5 sao quốc tế.
Trên thực tế, liên kết, hợp tác phát triển kinh tế là một hướng đi mới, mang lại những thành công cho nhiều địa phương, khu vực và nhiều nước trên thế giới.
Riêng đối với phát triển ngành du lịch, đây là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Vì vậy, sự liên kết này cần được ngành du lịch xây dựng dựa trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, lịch sử, văn hóa và quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch của quốc gia, vùng và địa phương./.