Cục Thú y cho biết, trong tuần qua (từ ngày 4/3-11/3/2014), nhiều địa phương đã kiểm soát tương đối tốt các ổ dịch cúm. Số ổ dịch mới phát sinh giảm nhiều so với tuần trước. Cụ thể: Chỉ có 3 ổ dịch tại 2 tỉnh mới và 6 ổ dịch tại 4 tỉnh cũ so với tổng số 23 ổ dịch mới của tuần trước.
Bao gồm hai tỉnh Ninh Thuận và Đồng Nai mới phát sinh thêm 3 ổ dịch cúm gia cầm, với số gia cầm mắc bệnh là 19.500 và tiêu hủy 19.700 con.
Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng vừa diễn ra chiều nay (11/3), tại Hà Nội, ông Phạm Văn Đông, Cục Trưởng Cục Thú y cho biết, tính đến hết ngày 10/3, cả nước còn 39 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 13 tỉnh, thành phố, gồm: Cà Mau, Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tây Ninh, Ninh Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Gia Lai, Nghệ An, Hải Dương, Hưng Yên.
Theo đó, toàn bộ số gia cầm trong đàn mắc bệnh đã được địa phương tiêu hủy, tổng số gia cầm mắc bệnh là 90.068 con, tiêu hủy 102.421 con.
Đặc biệt, ông Phạm Văn Đông cho hay, trong tuần qua, 11 địa phương có ổ dịch cũ đã qua 21 ngày như: Phú Thọ, Phú Yên, Bình Định, Quảng Bình, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Lào Cai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bình Dương và Hà Tĩnh. Việc không phát hiện ổ dịch mới tại đây đồng nghĩa với việc các địa phương này đã dập dịch thành công.
Nhận định tình hình dịch trong thời gian vừa qua, ông Đông cho rằng, các ổ dịch xảy ra chủ yếu trên đàn gia cầm nuôi tại các hộ gia đình và đã được chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn thú y phát hiện và xử lý kịp thời.
“Tuy nhiên trong số đó, một nửa các ổ dịch phát sinh ở khu vực phía Nam, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Nguyên nhân là do ở phía Nam cùng xuất hiện các nhánh 1.1 và 2.3.2.1 của virus H5N1 gây khó khăn trong phòng chống dịch, đòi hỏi sử dụng các loại vắcxin phòng bệnh khác nhau. Bên cạnh đó, do tập quán chăn nuôi vịt chạy đồng làm cho các nhánh vi rút cúm gia cầm phát tán nhanh và trên diện rộng...,” ông Đông cho hay.
Còn đối với các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên dịch chủ yếu xảy ra nhỏ lẻ, rải rác nên mức độ thiệt hại cũng nhẹ hơn. Tổng số ổ dịch của 3 vùng này chỉ bằng ¼ so với cả nước. Nguyên nhân là nhờ các địa phương đã chủ động kiểm soát tốt trong việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch cúm H5N1 và siết chặt các hoạt động nhập lậu gia cầm qua biên giới.
Tuy diễn biến dịch đang có chiều hướng giảm tích cực, song Ban chỉ đạo cũng khuyến cáo các địa phương không lơ là công tác phòng chống dịch. Đặc biệt, trong điều kiện khí hậu mưa ẩm đang kéo dài. Trong thời gian tới nguy cơ dịch tiếp tục phát sinh và lây lan là rất cao nếu các địa phương không thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.
Do vậy, Ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương ngoài việc tiếp tục theo dõi giám sát tình hình dịch bệnh thì các địa phương cần tổ chức thực hiện các biện pháp đồng bộ phòng chống dịch khác như tuân thủ quy định về con giống, thực hiện tốt công tác chăm sóc nuôi dưỡng gia cầm, thực hiện nghiêm việc kiểm dịch gia cầm tại gốc và tiến hành tiêm phòng cho gia cầm theo định kỳ đồng thời thường xuyên thực hiện tiêu độc môi trường, khu vực chăn nuôi./.
Bộ Y Tế - thành viên Ban chỉ đạo cho hay, hiện chưa phát hiện virus H7N9 trên các mẫu xét nghiệm tại Việt Nam.
Tính đến nay, đã có 338 ca nhiễm virus H7N9 tại Trung Quốc và 121 trường hợp đã tử vong. Tuy nhiên, nhận định tình hình dịch H7N9 đang có xu hướng giảm; trong những ngày đầu tháng 3 mỗi ngày chỉ ghi nhận 1 ca mắc bệnh giảm so với trong tháng 2/2014 với tỷ lệ 5-6 ca/ngày.
Tại Việt Nam, dịch cúm gia cầm H5N1 đã giảm 33 ổ dịch tại 15 tỉnh, bao gồm: Khánh Hòa (giảm 5 ổ dịch), Quảng Ngãi (2), Lào Cai (4), Bà Rịa Vũng Tàu (2), Nghệ An (4), Hà Tĩnh (4), Quảng Bình (1), Vĩnh Long (1), Thanh Hóa (1), Phú Thọ (2), Bình Định (1), Bình Dương (2), Cần Thơ (1), Bạc Liêu (1), Phú Yên (2).