Ngày 14/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016. Nhìn chung, chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố Việt Nam vẫn duy trì xu hướng cải thiện.
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, “PCI là tập hợp ‘tiếng nói’ của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là bộ phận doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đồng thời tạo ra nhiều hơn nữa việc làm đàng hoàng cho người dân. Đây cũng là động lực phát triển đất nước, là chìa khóa để giải quyết vấn đề phát triển, không chỉ ở khía cạnh kinh tế mà còn về phương diện chính trị, xã hội.”
Năm nay, điểm PCI tại tỉnh trung vị của cả nước đạt 58,20 điểm, tương đương với mức điểm 2 năm trước. Khoảng cách giữa nhóm đầu bảng và nhóm cuối đã thu hẹp đáng kể, hiện chỉ còn 17 điểm, thấp hơn mức 19 điểm năm 2015.
Đà Nẵng tiếp tục khẳng định vị trí “dẫn đầu” trong số các tỉnh, thành phố của Việt Nam trên bảng xếp hạng PCI. Như vậy, Đà Nẵng đã có năm thứ 4 liên tiếp dẫn đầu và lần thứ 7 trong suốt 12 năm thực hiện điều tra PCI được cộng đồng doanh nghiệp vinh danh vị trí quán quân trên bảng xếp hạng PCI.
Bên cạnh đó, thứ tự xếp hạng PCI 2016 đã chứng kiến sự đổi ngôi của Quảng Ninh và Đồng Tháp. Như vậy, Quảng Ninh đã vượt qua Đồng Tháp để giữ vị trí số 2 của bảng xếp hạng và là lần đầu tiên đạt thứ hạng cao nhất trong 12 năm điều tra PCI.
Đồng Tháp lùi về vị trí số 3 và tiếp tục duy trì lần thứ 9 liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, song thành phố này vẫn đứng đầu cả nước về chất lượng điều hành.
Điều bất ngờ lớn nhất trên bảng xếp hạng năm nay, đó là sự quay trở lại ấn tượng của Bình Dương với sự góp mặt tại top 5 sau nhiều năm nằm trong nhóm khá.
Trên bảng xếp hạng PCI 2016, các địa phương Vĩnh Long, Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc và Quảng Nam lần lượt góp mặt vào nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước./.
Báo cáo PCI 2016 đã được thực hiện 12 năm liên tiếp, với việc khảo sát thông tin từ 11.600 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 14 tỉnh, thành phố tại Việt Nam.