Sau khi tiến hành đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì và phối hợp với các ban, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế và Thành ủy Đà Nẵng xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1 với những điểm mới nổi bật từ quan điểm xây dựng Nghị quyết đến mục tiêu, tầm nhìn và giải pháp.
[10 năm thực hiện quyết tâm thư của Già làng các dân tộc Tây Nguyên]
Cụ thể, Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á vào năm 2045.
“Thay trời đổi đất”
Nhìn lại kết quả quá trình thực hiện Nghị Quyết 33, Đà Nẵng đã có một bình diện mới với những bước phát triển mạnh mẽ và được xem là thành phố đáng sống, địa phương tiên phong trong cải cách và năng động. Theo đó, cơ cấu kinh tế ngành của địa phương đã chuyển dịch theo hướng hiện đại “dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp.”
Cùng với đó, diện mạo đô thị đã thay đổi nhanh chóng với không gian phát triển mở rộng gấp bốn lần so với năm 2003 đồng thời tạo ra nhiều điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan. Đà Nẵng đã thu hút được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển dựa trên việc thực hiện linh hoạt, hiệu quả các cơ chế, chính sách từ những cách làm mới, sáng tạo, phù hợp thực tiễn.
“Nghị quyết 33 đã mang đến cho Đà Nẵng những thay đổi không thể nói hết bằng lời, rất lớn và kỳ diệu,” nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An, nguyên Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng chia sẻ.
Một cuộc di dời có thể coi như “thay trời đổi đất, sắp đặt lại giang san” - ông An ví von và cho hay, ngày đó có đến 100.000 hộ dân vào diện giải tỏa và phải rời bỏ nơi sinh sống bao đời, song họ đã sẵn sàng chấp hành đến chỗ ở mới vì sự phát triển của thành phố.
Để có được điều này, ông An cho rằng, một phần nhờ chủ trương đúng đắn, phù hợp với lòng dân, song phần khác phải kể đến công tác vận động quần chúng tại các Đảng bộ cơ sở đã tạo một sự đồng thuận lớn trong xã hội.
“Có thể đúc rút kinh nghiệm - Đảng nói là dân tin, mặt trận vận động dân theo, chính quyền làm dân ủng hộ. Đó là cái lớn nhất không chỉ được về năng lực sản xuất mà còn được cả ở con người,” ông An tâm huyết nói.
Tạo động lực lan tỏa cả vùng
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình thực hiện trên cũng đã bộc lộ những mặt tồn tại và hạn chế. Thêm vào đó, tốc độ phát triển của Đà Nẵng có dấu hiệu chậm lại, thậm chí một số chỉ tiêu quan trọng về kinh tế - xã hội đã bị bỏ lại phía sau.
Từ thực tế đó, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, sau khi tiến hành đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết 33, trên cơ sở kết quả của đề án, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 43. Đây là một Nghị quyết quan trọng vạch ra chủ trương, đường lối cho phát triển thành phố Đà Nẵng trong 10 năm tới và các năm tiếp theo.
“Nghị quyết ra đời đã được nhân dân Đà Nẵng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung hết sức đồng tình, ủng hộ và tạo ra khí thế mới cho phát triển thành phố trong thời gian tới,” đồng chí chia sẻ.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá đầy đủ các lợi thế so sánh, Trưởng Ban Kinh tế đã chỉ ra, Đà Nẵng là thành phố trung tâm của miền Trung và tây Nguyên, của duyên hải miền Trung và của Bắc miền Trung. Đây là một thành phố cảng biển với điều kiện tự nhiên hết sức ưu đãi, với vị trí như vậy có thể xác định Đã Nẵng sẽ là trung tâm phát triển của cả khu vực.
“Do đó, xây dựng và phát triển Đà Nẵng không chỉ riêng cho địa phương mà còn tạo ra động lực và sự lan tỏa cho cả vùng,” ông Bình nhấn mạnh ba trụ cột lớn cho phát triển Đà Nẵng trong thời gian tới bao gồm phát triển về du lịch, công nghiệp công nghệ cao và phát triển một thành phố cảng biển.
Với Nghị quyết mới, ông Đặng Hữu Hào, một cựu chiến binh đồng thời là người dân sống trong thành phố tin tưởng “Đà Nẵng sẽ vươn lên và thực hiện tốt Nghị Quyết 43 của Bộ Chính trị. Người dân thành phố rất là phấn khởi với Nghị Quyết này cùng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.”
Theo ông Hào, để đưa Nghị quyết vào thực tế, cấp chính quyền cần triển khai 3 vấn đề, thứ nhất là tuyên truyền giáo dục cho người dân hiểu nội dung và tầm quan trọng Nghị quyết. Thứ hai, các cơ quan ban ngành cần xây dựng đề án cụ thể hóa chương trình hành động biến Nghị quyết trở thành hiện thực.
Và cuối cùng, người lính già tâm huyết nói, “muốn Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị thành công, điểm quan trọng nhất vẫn là công tác cán bộ. Một đội ngũ cán bộ trong đó các vị trí chủ trì các cấp phải có phẩm chất và năng lực tốt để đáp ứng được các yêu cầu đòi hỏi thực tiễn nhằm đưa Đà Nẵng ngày càng phát triển theo mong đợi của Đảng và toàn dân”./.