Đà Nẵng: Khai thác mạnh mẽ tiềm năng, tạo động lực tăng trưởng mới

Theo chuyên gia, các nhóm lĩnh vực kinh tế số cần được thành phố Đà Nẵng quan tâm, ưu tiên hơn là: du lịch-dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không, logistics...
Đà Nẵng: Khai thác mạnh mẽ tiềm năng, tạo động lực tăng trưởng mới ảnh 1Thành phố Đà Nẵng bên bờ sông Hàn. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Thành phố Đà Nẵng khép lại năm 2021 với mức tăng trưởng dương, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 0,18% so với năm 2020. Nhìn chung mức độ phục hồi kinh tế còn rất chậm, nhưng cũng là tín hiệu vui cho nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 và ổn định, khôi phục kinh tế-xã hội của toàn thành phố trong năm mới 2022.

Thành quả thực hiện nhiệm vụ kép

Trong năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng nêu cao tinh thần đồng thuận, quyết liệt, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành, đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức. Nhờ đó, thành phố đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, tạo tiền đề để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2022.

Theo báo cáo của Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế thành phố có dấu hiệu phục hồi khá tốt, với mức tăng 5,09% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 0,94% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã khiến kinh tế 6 tháng cuối năm của thành phố giảm 4,4% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, nền kinh tế gần như “đóng băng” trong quý 3 năm 2021 do phải thực hiện giãn cách nghiêm ngặt trên hầu khắp các xã, phường, tăng trưởng kinh tế quý 3 giảm sâu (-10,17%), ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả năm.

Tuy vậy, trong năm 2021, thành phố Đà Nẵng đã dành nhiều nguồn lực để chăm lo công tác an sinh xã hội, nhất là người bị ảnh hưởng do COVID-19. Chính quyền thành phố đã khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ của Trung ương và các chính sách riêng của thành phố cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội.

Cụ thể, thành phố triển khai kịp thời các gói hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do COVID-19 với tổng số tiền hơn 175 tỷ đồng; hỗ trợ 50.651 hộ chính sách, người có công, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn với mức 500.000 đồng/hộ, tổng kinh phí hơn 25 tỷ đồng.

Thành phố hỗ trợ bằng tiền mặt trị giá 500.000 đồng/suất cho 142.064 hộ dân khó khăn với tổng kinh phí gần 71 tỷ đồng; hỗ trợ tiền mặt cho 226.225 hộ dân trên địa bàn thành phố với mức 500.000 đồng/hộ, tổng kinh phí 113 tỷ đồng.

Hỗ trợ 100% học phí đối với trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông công lập và ngoài công lập do ảnh hưởng COVID-19; đồng thời tổ chức tốt việc chăm lo cho gia đình chính sách, người có công cách mạng.

Tổng kinh phí của thành phố Đà Nẵng đã chi cho các hoạt động phòng, chống COVID-19 và hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh khoảng 2.590 tỷ đồng.

Ông Trần Mạnh (Bí thư Chi bộ Hải Hạc 4, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) vẫn chưa quên những ngày giãn cách nghiêm ngặt vào tháng Tám, tháng Chín vừa qua tại thành phố. Là Bí thư Chi bộ, ông Trần Mạnh có trách nhiệm làm Trưởng ban điều hành, lo công tác phòng, chống dịch và cung cấp nhu yếu phẩm cho hàng trăm hộ dân trong khu dân cư Hải Hạc 4.

Ông Trần Mạnh cho rằng, thành phố Đà Nẵng đã làm tốt công tác an sinh xã hội, có nhiều chính sách hỗ trợ tiền, phát quà, đào tạo nghề, chăm lo cho người dân nên công tác phòng, chống dịch tại Đà Nẵng đã đạt được kết quả tốt, nhận được sự đồng thuận cao từ nhân dân.

Nhờ được sự đồng thuận, chung sức của nhân dân, công tác phòng, chống COVID-19 tại thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ nửa cuối tháng 10, thành phố đã chủ động chuyển trạng thái sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,” các hoạt động sản xuất, thương mại được hoạt động trong khuôn khổ đảm bảo về phòng, chống dịch.

Đà Nẵng: Khai thác mạnh mẽ tiềm năng, tạo động lực tăng trưởng mới ảnh 2Khu du lịch Bà Nà Hills tại Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Thống kê từ đầu tháng 12 đến nay, số ca mắc mới mỗi ngày dao động từ 78 đến 442 ca. Thành phố đã tiêm 1.927.650 mũi vaccine phòng COVID-19 cho người dân, trong đó tiêm mũi 1 cho 971.992 người, mũi 2 cho 955.044 người và mũi 3 cho 614 người.

Một trong những điểm sáng của Đà Nẵng năm 2021 thuộc về lĩnh vực công nghệ thông tin, thành phố tiếp tục dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin Việt Nam năm 2020. Đặc biệt, Đà Nẵng xếp vị trí thứ Nhất về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) năm 2020. Trong đó, giữ vị trí dẫn đầu ở cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

[Thành phố Đà Nẵng đi lên từ ý chí và khát vọng phát triển]

Tiếp đó, tháng 12, Đà Nẵng được trao giải thưởng “Thành phố Thông minh Việt Nam 2021.” Có thể coi đây là nền móng vững chắc cho công cuộc chuyển đổi số tại thành phố Đà Nẵng, bao gồm xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, hướng đến thành phố thông minh.

Theo phân tích của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, Đà Nẵng cần tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ và các giải pháp phát triển thông minh để tăng cường khả năng chống chọi dịch bệnh, bảo vệ an toàn tính mạng của người dân và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

Đà Nẵng đang hội tụ đủ những năng lực, tiền đề để phát triển kinh tế số như: phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin (ICT); các dịch vụ nền tảng thương mại điện tử; tận dụng ưu thế của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để chuyển đổi các mô hình sản xuất, kinh doanh truyền thống, nâng cao năng suất, tạo những giá trị mới...

Trong thời gian tới, ông Trương Gia Bình cho rằng các nhóm lĩnh vực kinh tế số cần được thành phố Đà Nẵng quan tâm, ưu tiên hơn là: du lịch-dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logictics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; các nhóm lĩnh vực “giao thoa” kinh tế-xã hội như y tế, giáo dục...

Đà Nẵng: Khai thác mạnh mẽ tiềm năng, tạo động lực tăng trưởng mới ảnh 3Sản xuất lốp xe tải tại nhà máy của Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng, Khu công nghiệp Liên Chiểu (Đà Nẵng). (Ảnh: Văn Sơn/TTXVN)

Trong năm 2021, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định, Nghị quyết về phát triển thành phố Đà Nẵng, như: Nghị định số 34/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị của thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 25/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng - phần cơ sở hạ tầng dùng chung với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng; chủ trương cho phép nghiên cứu, lập đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực...”

Đây sẽ là những chính sách góp phần tạo đòn bẩy, động lực quan trọng và then chốt để phát triển thành phố trong giai đoạn tới.

Phục hồi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng

Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, hiện nay, tăng trưởng của thành phố có dấu hiệu chậm lại do những tác động của dịch COVID-19 và những hạn chế của nền kinh tế thành phố như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; tỷ trọng các dịch vụ cao cấp, sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao còn hạn chế; năng suất lao động, sức cạnh tranh thấp; chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu...

Vì vậy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho rằng, trong thời gian tới, thành phố cần đẩy nhanh việc định hình cơ cấu các ngành kinh tế, chú trọng phục hồi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, cân đối tỷ trọng của các khu vực dịch vụ và công nghiệp-xây dựng để duy trì cấu trúc kinh tế phù hợp nhất. Trong đó, phấn đấu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp-xây dựng (bình quân trên 11%), duy trì ở mức cao tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ (bình quân trên 8,5%).

Trong bối cảnh dịch COVID-19, khu vực dịch vụ còn bị ảnh hưởng nên khó có thể đột phá, nhưng khu vực công nghiệp có thể phục hồi nhanh hơn và tăng trưởng nhanh ở mức cao. Ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông được kỳ vọng tăng trưởng nhanh và chiếm khoảng 10-15% GRDP của thành phố.

Cũng theo ông Lê Trung Chinh, Đà Nẵng cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để huy động hiệu quả các nguồn lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, kỳ vọng trong tương lai.

Đà Nẵng: Khai thác mạnh mẽ tiềm năng, tạo động lực tăng trưởng mới ảnh 4Hạ thủy tàu cá vỏ thép phục vụ đánh bắt xa bờ dài ngày, tại Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng). (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Cụ thể, chủ động, tích cực đề xuất các cơ chế, chính sách để từng bước phát triển thành phố trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế với cảng biển và cảng hàng không hiện đại, cửa ngõ kết nối giữa Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với khu vực và thế giới; trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển trung tâm tài chính và hình thành khu phi thuế quan tại Đà Nẵng.

Bên cạnh đó là những chính sách, cơ chế nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng và quốc tế, huy động và khai thác mạnh mẽ tiềm năng, các nguồn lực trong nước, ngoài nước để đầu tư phát triển thành phố, tạo động lực tăng trưởng mới.

Trước tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng cần tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, đề ra các giải pháp trước mắt và lâu dài để thực hiện thành công mục tiêu kép; quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng “thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á” như tầm nhìn được đặt ra trong Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.