Ngày 26/8, Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành thông báo số 446/TB-VP về kết luận của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh trong cuộc họp bàn khôi phục hoạt động của các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa tại các khu dân cư.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cơ bản thống nhất cho các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố hoạt động trở lại. Đối với những chợ cấp thành phố, Sở Công Thương thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Ủy ban Nhân dân các quận chịu trách nhiệm trong việc quyết định cho các chợ hoạt động lại. Đối với các chợ truyền thống cấp quận, huyện, phường, xã, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm trong việc quyết định cho hoạt động lại.
Sở Công Thương thành phố sẽ hướng dẫn việc thực hiện; trong đó, phòng, chống dịch COVID-19 là những yêu cầu bắt buộc. Cụ thể, thành viên Ban quản lý chợ, tiểu thương, người lao động tại các chợ đã được tiêm vaccine; thực hiện xét nghiệm PCR 3 ngày/lần; tuân thủ Thông điệp 5K của Bộ Y tế; không bán hàng trực tiếp cho dân mà chỉ bán hàng qua Tổ COVID cộng đồng tại địa phương...
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng giao cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các phường, xã tổng kiểm tra, rà soát trên địa bàn để xem xét, quyết định cho một số quầy tạp hóa hoạt động trở lại, thực hiện các yêu cầu đảm bảo phòng, chống dịch giống chợ truyền thống. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các phường, xã quyết định và chịu trách nhiệm về vấn đề này.
[Hoàn thiện các cơ chế khôi phục, phát triển kinh tế Đà Nẵng]
Trước đó, từ ngày 16/8 vừa qua, tất cả các chợ truyền thống và các quầy tạp hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã phải tạm dừng hoạt động để đảm bảo thực hiện nghiêm quy định "ai ở đâu ở yên đấy" nhằm phòng, chống dịch COVID-19.
Thành phố thống nhất cho phép mỗi Ủy ban Nhân dân phường, xã sử dụng 3 xe tải để vận chuyển hàng hóa thiết yếu và 1 xe ôtô 5 chỗ phục vụ xử lý chung các tình huống phát sinh trên địa bàn. Ủy ban Nhân dân các quận, huyện gửi danh sách lái xe và phương tiện cho Công an thành phố để cấp giấy nhận diện lưu thông và chịu trách nhiệm về hoạt động điều phối, vận chuyển, đảm an toàn bảo phòng, chống dịch.
Cũng trong ngày 26/8, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng đã ban hành phương án cung ứng hàng hóa mới trong thời gian toàn thành phố tiếp tục thực hiện “ai ở đâu ở yên đấy” (từ 26/8 đến 5/9).
Theo kế hoạch, thành phố sẽ hỗ trợ 50.000 suất hàng hóa thiết yếu (gạo, mỳ tôm, thịt hộp, cá hộp, cá khô, trứng gà) cho 50.000 hộ đặc biệt khó khăn, tương ứng 16,6% tổng số hộ dân; hỗ trợ 1.000 tấn rau, củ, quả cho toàn bộ người dân thành phố. Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng đề nghị các địa phương tăng cường bổ sung thêm lực lượng cho ban điều hành khu dân cư, khu chung cư, tổ dân phố (huy động thêm đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ, tình nguyện viên, tổ dân phố…) để bảo đảm tổng hợp đơn hàng và giao hàng kịp thời cho người dân.
Bên cạnh đó, các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối hoạt động tối đa 100% công suất. Sở Công Thương Đà Nẵng đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố cho phép các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi được sử dụng 100% nhân lực và không áp dụng “3 tại chỗ.” Lực lượng shipper công nghệ hợp đồng với các đơn vị cung ứng tham gia vào việc giao nhận hàng phục vụ nhu cầu của người dân.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng Nguyễn Hữu Hạnh, việc thay đổi phương án cung ứng là cần thiết vì sau 10 ngày thực hiện nghiêm “ai ở đâu ở yên đấy” (từ 16/8 đến 25/8), lượng dự trữ thực phẩm tại các hộ dân đã hết, nhu cầu mua hàng của người dân tăng cao, dẫn đến quá tải đơn hàng tại các đơn vị cung ứng.
Trong 10 ngày qua, khả năng đáp ứng của các đơn vị cung ứng chỉ được 15-20% so với nhu cầu của người dân, do các đơn vị chỉ có 30% lao động được phép hoạt động và phải làm việc “3 tại chỗ.”./.