Ngày 27/10, Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng đã có văn bản thông báo cho các cơ quan, đơn vị vận tải và hành khách về việc tạm dừng hoạt động các tuyến xe buýt trợ giá để phòng, tránh bão số 9.
Từ ngày 27 đến hết ngày 28/10, 12 tuyến xe buýt trợ giá sẽ tạm dừng hoạt động là các tuyến số 05, 07, 08, 11, 12, TMF, R4A, R6A, R14, R15, R16, R17A bắt đầu từ 12 giờ, riêng tuyến xe buýt R14 bắt đầu tạm dừng từ 13 giờ 15 phút.
Trước đó, sáng 27/10, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng ký ban hành Công văn số 7079/UBND-KTTC về việc chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra.
Người dân không ra khỏi nhà từ 20 giờ ngày 27/10 cho đến khi có thông báo mới từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) được nghỉ làm việc trong ngày 28/10 (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).
Tại Ninh Thuận, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 9, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, đặc biệt là ngư dân vùng biển, chiều 27/10, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh đã ký công điện nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển, bắt đầu từ 14 giờ cùng ngày.
Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, cho biết sau khi có công điện nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Chi cục đã khẩn trương phối hợp với các đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương ven biển đưa 2 tàu làm nhiệm vụ ra cửa biển thông báo khẩn cấp cho các chủ tàu, thuyền vào bờ cập cảng trú tránh; đồng thời cử lực lượng để bố trí, sắp xếp tàu, thuyền neo đậu ổn định.
Đối với lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển, ngành chức năng gấp rút thông báo cho các chủ nuôi nhanh chóng neo và cột lại lồng bè, đưa tất cả lao động trên lồng bè vào bờ, không để bất cứ một ai ở lại canh giữ, mất an toàn tính mạng khi bão đổ bộ vào.
Trước tình hình bão số 9 diễn biến phức tạp, ngày 27/10, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã trực tiếp xuống kiểm tra, nắm tình hình và chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 9 tại huyện Bình Sơn. Với phương châm tính mạng con người là trên hết, việc sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu.
[Thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương để ứng phó với bão số 9]
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính cho hay tỉnh đã huy động tổng lực cán bộ, chiến sĩ về các địa phương để tổ chức di dời dân, chú trọng các xã ven biển, vùng trũng thấp.
"Đối với thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, chính quyền địa phương nghiên cứu, bố trí chỗ ở tập trung tại trường Cao đẳng nghề Dung Quất và một số trụ sở phù hợp; phải xem tính mạng con người là trên hết, nhất định không được để xảy ra sơ suất," ông Bính chỉ đạo.
Theo thống kê, xã Bình Hải có 5 thôn buộc phải di dời dân khẩn cấp gồm Thanh Thủy, Phước Thiện, An Cường, Phước Thiện 1, Phước Thiện 2 với khoảng 2.000 hộ dân và 3.500 nhân khẩu.
Theo ghi nhận của phóng viên, đa số người dân đã chủ động chèn chống mái tôn bằng bao cát, gia cố nhà cửa bằng dây thừng, di dời phương tiện thuyền, thúng đến vị trí an toàn, neo buộc kỹ lưỡng; thu gom, vận chuyển các vật dụng trong gia đình đến khu ở tập trung trong xã theo thông báo của lực lượng chức năng./.