Sau hơn 15 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế-văn hóa-xã hội của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Việc xây dựng con người thân thiện với nếp sống văn minh đô thị và môi trường văn hóa lành mạnh được xác định là một trong những yếu tố then chốt nhằm tạo nên diện mạo mới của Đà Nẵng.
Trong những năm qua, nhất là từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương lần thứ 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” và các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng và các cấp, các ngành có nhiều cố gắng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố.
Thành phố Đà Nẵng đã không ngừng chấn chỉnh và phát huy các giá trị văn hóa trong các hoạt động lễ hội. Lễ hội Quán Thế Âm tại Ngũ Hành Sơn ngày càng được tổ chức nề nếp, quy củ và thu hút đông đảo sự tham gia của nhân dân thành phố Đà Nẵng và các địa phương khác. Đặc biệt, cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế trong các năm qua được tổ chức thành công, trở thành hoạt động văn hóa, du lịch tạo dấu ấn trong hoạt động lễ hội văn hóa của thành phố. Đây cũng là sự kiện nâng cao giá trị thương hiệu của thành phố.
Đời sống văn hóa cơ sở ở các quận, huyện có bước phát triển; đời sống văn hóa nông thôn ngày càng được nâng lên. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được chú trọng.
Thành phố Đà Nẵng hiện có 17 di tích cấp quốc gia, 45 di tích cấp thành phố; đã tiến hành trùng tu tôn tạo các di tích quan trọng như Thành Điện Hải, Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu, Di tích mẹ Nhu và bảy Dũng sỹ Thanh Khê, Đình Hải Châu, Khu căn cứ cách mạng K20… và nhiều di tích cấp thành phố.
Ngành đã tiến hành nghiên cứu các loại hình văn hóa phi vật thể, tham gia giữ gìn và phát huy tác dụng các lễ hội truyền thống. Bảo tàng điêu khắc Chăm ngày càng tỏ rõ giá trị đặc biệt của di sản, thu hút nhiều khách tham quan và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Bảo tàng thành phố Đà Nẵng ngày càng hoạt động có hiệu quả. Hằng năm tổ chức hàng chục cuộc trưng bày triển lãm và hoạt động sự kiện lớn thu hút khách tham quan. Năm 2013 đón 38.000 lượt khách, trong đó có 8.000 lượt khách nước ngoài. Hàng năm, Bảo tàng vận động nhân dân sưu tầm, hiến tặng cho Nhà nước nhiều hiện vật có giá trị.
Trong năm 2012-2013, Bảo tàng Đà Nẵng đã sưu tầm, tiếp nhận hơn 660 ảnh, tài liệu, hiện vật; trong đó, thành công nhất là đã vận động các cá nhân hiến tặng 187 tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng.
Các tổ chức kinh tế ngoài công lập tự đứng ra thành lập các cơ sở dịch vụ văn hóa công cộng như hệ thống rạp chiếu bóng Mega Star, Lotte, cơ sở 86 Trần Phú; thành lập các đội nhóm hoạt động biểu diễn nghệ thuật ngoài công lập như Đoàn nhạc dân tộc, Vũ đoàn Minh Nhật; hình thành các cơ sở trưng bày đá Non Nước...
Ngành cũng đã tranh thủ được nguồn kinh phí xã hội hóa để thực hiện các hoạt động văn hóa từ các tổ chức Phi Chính phủ, các tổ chức nghề nghiệp ở nước ngoài như Quỹ Điêu khắc đá Na Uy, Hội đồng Vùng Nord Pas de Calais (Pháp), Quỹ Đại sứ Hoa Kỳ, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Châu Á.
Hệ thống thiết chế và các công trình văn hóa bước đầu được quan tâm đầu tư. Thành phố Đà Nẵng đã đầu tư một số công trình văn hóa có quy mô lớn với kinh phí trên 180 tỷ đồng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa nghệ thuật, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân toàn thành phố.
Các công trình đó là công trình Nhà biểu diễn đa năng năm 2009 với hơn 81,260 tỷ đồng; Nhà hát Trưng Vương năm 2007 là 49 tỷ đồng; Bảo tàng Đà Nẵng năm 2005 với 40 tỷ đồng; Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật năm 2007: 10 tỷ đồng; nâng cấp Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh năm 2009: 1,5 tỷ đồng; mở rộng Bảo tàng điêu khắc Chăm năm 2002: 6 tỷ đồng.
Hệ thống thiết chế văn hóa cấp quận, huyện, phường, thôn, tổ dân phố từng bước được đầu tư xây dựng. Hầu hết các quận, huyện đang triển khai các dự án Trung tâm văn hóa thể thao. Hiện nay, thành phố đã đầu tư và đưa vào hoạt động 6 Trung tâm văn hóa thể thao cấp quận, huyện.
Ngoài ra, thành phố có 13/45 phường có nhà văn hóa và 2/11 xã có trung tâm văn hóa thể thao xã; tất cả 118 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng, trong đó, có 57/118 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn. Các cơ sở này duy trì tổ chức sinh hoạt tương đối đều đặn phục vụ nhân dân ở các địa phương.
Thời gian qua, bên cạnh các văn bản chỉ đạo của các cấp Trung ương và địa phương, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng đã tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch mang tính chiến lược liên quan đến lĩnh vực văn hóa.
Những thành tựu và kết quả đạt được trong lĩnh vực văn hóa tuy có nhiều nhưng chưa vững chắc và chưa tương xứng với sự phát triển về kinh tế, xã hội của thành phố. Chất lượng xây dựng đời sống văn hóa còn hạn chế.
Nếp sống văn minh đô thị chưa thực sự thấm sâu vào đời sống nhân dân, vẫn còn các biểu hiện thiếu văn minh, các chuẩn mực trong đời sống văn minh đô thị chưa được xây dựng, coi trọng đúng mức, cách ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận xã hội.
Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có vai trò nêu gương trong xã hội, nhưng một bộ phận trong đó còn tình trạng kỷ luật chưa nghiêm, tác phong, lề lối làm việc và sinh hoạt, hiệu quả công tác chưa theo kịp yêu cầu chung. Đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật chưa có sức lôi cuốn, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của quần chúng, chưa có các hoạt động văn hóa nghệ thuật và tác phẩm văn học tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong đời sống...
Theo ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng, để các hoạt động của ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch có những bước đột phá nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch Đà Nẵng đã đề xuất các chủ trương, chính sách trong thời gian tới.
Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, đòi hỏi ngành văn hóa phải vươn lên, vượt qua những khó khăn để tạo ra nhiều hoạt động, sản phẩm mới làm thay đổi diện mạo văn hóa của thành phố.
Bên cạnh việc huy động từ nguồn lực xã hội hóa ngành cũng cần có những cơ chế, chính sách để thực hiện. Lãnh đạo thành phố và các cấp, các ngành tăng cường sự quan tâm, đầu tư, chỉ đạo hoạt động văn hóa nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Trong năm 2014, thành phố đã bố trí khoản kinh phí 7,590 tỷ đồng chủ yếu tập trung vào các nhóm công việc tăng cường hoạt động sự nghiệp văn hóa nghệ thuật; bổ sung trang thiết bị và cơ sở vật chất; bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực…
Nghệ sỹ ưu tú Trần Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết 34 năm gắn bó với nghệ thuật tuồng truyền thống, bản thân tôi và anh em nghệ sĩ của nhà hát luôn cố gắng để tuồng phát triển. Từ cuối năm 2009 đến nay, việc đưa chương trình nghệ thuật truyền thống do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn vào lịch trình của du khách khi ghé thăm Đà Nẵng đã phần nào đưa tuồng đến gần hơn với công chúng.
Tuy nhiên, trong năm 2013, có khoảng 3,1 triệu lượt khách đến Đà Nẵng, nhưng chưa tới 3.000 du khách đến xem tuồng. Đó là con số quá ít. Một phần do đến thời điểm này chỉ có 2 hãng lữ hành “bắt tay” với chúng tôi, trong khi có tổng cộng 150 đơn vị lữ hành trên địa bàn Đà Nẵng.
Qua mấy chục năm gắn bó với tuồng, tôi nghiệm ra khán giả của tuồng thường là người cao tuổi hoặc trung niên, gắn bó với nền nông nghiệp hoặc ngư nghiệp. Và sự thật là nhà hát đã đi diễn rất thành công tại các địa phương. Khi đưa tuồng về diễn tại các địa phương, mức thu thấp hơn diễn cho du lịch rất nhiều. Anh em phải lấy tiền từ diễn cho du lịch bù qua để duy trì sức sống cho tuồng truyền thống.
Ngược lại, chúng tôi đón nhận tình cảm rất lớn từ các khán giả. Đó là điều mà những nghệ sĩ tuồng cảm thấy hạnh phúc nhất. Có điều chắc chắn với văn hóa và những người làm văn hóa nói chung là để tạo dựng được một nền văn hóa, một nét văn hóa đặc trưng thì cần rất nhiều thời gian.
Với bộ môn nghệ thuật truyền thống như tuồng, để có chỗ đứng trong đời sống tinh thần của người dân là chuyện không dễ dàng. Nếu đã quyết giữ tuồng thì phải có sự đầu tư thỏa đáng, bởi đây là loại hình nghệ thuật rất kén khán giả. Vì vậy, nơi nào có khán giả thì nên tạo điều kiện để họ được thưởng thức, thậm chí miễn phí.
Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng tâm sự: Từ lâu, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã thực hiện chương trình “Giáo dục bảo tàng” đến các trường phổ thông, đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố. Tất cả những nỗ lực này đều xuất phát từ mong muốn ngày càng thu hút nhiều người ghé đến bảo tàng hơn nữa để hiểu về lịch sử và con người của vùng đất này.
Ông Thắng nói: "Riêng về vấn đề văn hóa của một vùng miền, theo tôi, điều quan trọng nhất là cần phải có tầm nhìn và chiến lược phát triển lâu dài. Thiết chế văn hóa cần phải được xây dựng thiết thực, hiệu quả và phải biết rút kinh nghiệm từ những giai đoạn trước.
Du khách khi ghé đến Đà Nẵng đều dễ dàng nhận thấy đây là thành phố trẻ, năng động, có tốc độ phát triển ấn tượng. Nếu được, chúng ta nên xây dựng theo những tiền đề đã có để tạo sự đồng bộ, hiệu quả, để từ đó tạo được những bứt phá trong đầu tư phát triển văn hóa. Văn hóa, nếu chưa có bản sắc thì làm cho có bản sắc. Thiếu đặc trưng thì phải sáng tạo đặc trưng"./.