Ngày 18/3, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng tổ chức buổi họp theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, triển khai các phương án tổ chức trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Sẵn sàng mở cửa, chào đón khách du lịch
Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về mở cửa lại hoạt động du lịch trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Sở đã phối hợp các ngành liên quan, tham mưu ủy ban nhân dân thành phố ban hành phương án tổ chức trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới với thông điệp "Đà Nẵng sẵn sàng mở cửa, chào đón khách du lịch."
Từ ngày 15/3, Đà Nẵng mở cửa lại các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới với các khách du lịch, người nhập cảnh đến và đi tại Việt Nam thông qua đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển với điều kiện đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Phương án tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm công tác chuẩn bị nguồn nhân lực và đảm bảo chất lượng dịch vụ; chuẩn bị sản phẩm mới; công tác đảm bảo an ninh-an toàn phục vụ khách và kế hoạch truyền thông, công tác xúc tiến thị trường.
Thành phố tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc đối với các dự án du lịch trọng điểm, động lực, nghiên cứu áp dụng một số cơ chế thí điểm để khai thác phát triển sản phẩm/dịch vụ mới, ưu tiên nguồn lực đầu tư công đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch trong ngắn hạn và dài hạn.
[Đà Nẵng yêu cầu các khách sạn phải có nơi lưu trú dự phòng cho F0]
Các doanh nghiệp du lịch cần tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, áp dụng các mô hình phục vụ hạn chế tiếp xúc như, quầy dịch vụ tự động check-in online, hệ thống tự check-out và trả chìa khóa nhanh, thanh toán trực tuyến; chatbot; cập nhật xu hướng, thị hiếu khách du lịch và tình hình thực tế để hoàn thiện, nghiên cứu sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ mới phù hợp.
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ du lịch chịu trách nhiệm, xây dựng và tổ chức triển khai phương án phòng, chống dịch COVID-19 tại địa điểm kinh doanh và đối với các dịch vụ phục vụ khách, thực hiện đúng và nghiêm túc quy trình đón và phục vụ khách, quy trình xử lý sự cố y tế tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khi có trường hợp khách mắc COVID-19.
Riêng các cơ sở lưu trú du lịch khi hoạt động kinh doanh phục vụ khách phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phương án phòng, chống dịch COVID-19, trong đó yêu cầu bố trí khu vực/phòng riêng đảm bảo các điều kiện về y tế theo quy định để tiếp nhận điều trị F0 thể nhẹ (khách du lịch đang lưu trú, nhân viên cơ sở lưu trú…) là yêu cầu bắt buộc.
Cơ sở lưu trú xây dựng và triển khai phương án xử lý khi có trường hợp khách lưu trú mắc COVID-19, Quy trình cách ly, điều trị F0 thể nhẹ tại cơ sở lưu trú và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, đồ dùng, nhân lực … theo hướng dẫn chuyên môn của cơ quan y tế.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần xây dựng các chính sách linh hoạt về hoàn, hủy dịch vụ để hỗ trợ khách; công khai thông tin về các chính sách sử dụng dịch vụ, chính sách hoàn, hủy để khách được biết.
Bảo đảm số lượng, chất lượng nguồn nhân lực
Để chuẩn bị nguồn nhân lực đảm bảo số lượng, chất lượng tương ứng với mức độ phục hồi của các thị trường khách du lịch, Giám đốc Sở Trương Thị Hồng Hạnh cho rằng các doanh nghiệp cần chủ động theo dõi tình hình thị trường để tuyển dụng lao động.
Sở Du lịch sẽ liên kết hiệp hội du lịch, các hội và các cơ sở đào tạo triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, tập trung tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ, chăm sóc khách hàng, thái độ phục vụ khách du lịch; kích hoạt lại các hoạt động đào tạo, tự đào tạo, trau dồi nghiệp vụ tại các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Sở tổ chức các chương trình giữ lửa nghề cho lao động ngành du lịch; tư vấn các chương trình đào tạo tại chỗ; tập huấn phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động kinh doanh du lịch để đảm bảo chất lượng, nguồn nhân lực phục vụ du lịch.
Bà Hạnh đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các quy định về đăng ký giá, niêm yết giá bán cụ thể các sản phẩm, dịch vụ của đơn vị và bán đúng giá niêm yết; tuyệt đối không tùy tiện tăng giá, ép khách, găm giữ phòng, gây sốt giá, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của ngành du lịch thành phố.
Trong thời gian tới, Sở Du lịch sẽ phối hợp Hiệp hội Du lịch, cộng đồng doanh nghiệp du lịch triển khai các chương trình kích cầu du lịch với các gói sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng, chính sách với giá hấp để thu hút du khách, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch khôi phục hoạt động kinh doanh trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng, chống hiệu quả dịch bệnh để phát triển kinh tế-xã hội thành phố.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe phổ biến, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch và xử lý sự cố y tế trong hoạt động du lịch tại cơ sở lưu trú du lịch, đơn vị lữ hành, vận chuyển, khu điểm du lịch; nghe hướng dẫn, quán triệt công tác đảm bảo an ninh trật tự phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm an toàn cho du khách; hướng dẫn các nội dung cần lưu ý về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm…Đồng thời, các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận để tìm ra các biện pháp phù hợp, kịp thời cho công tác đón và phục vụ khách du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Quảng bá du lịch trên các nền tảng mạng xã hội
Ngày 18/3, Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng và Công ty Cổ phần Truyền thông đa phương tiện GDL đã ký kết thỏa thuận tăng cường hợp tác, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá du lịch nhằm thu hút khách đến Đà Nẵng và để thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về mở cửa lại hoạt động du lịch trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Với mục tiêu đẩy mạnh truyền thông, quảng bá du lịch Đà Nẵng trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Instagram,Tiktok), trong giai đoạn năm 2022-2023, hai bên sẽ tổ chức một số các hoạt động sự kiện và truyền thông quảng bá điểm đến của thành phố Đà Nẵng trên các kênh truyền thông chính do hai bên quản lý; phối hợp liên kết tổ chức và chào đón các KOL, Micro Influencer và Tiktoker đến thành phố Đà Nẵng để tăng cường đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh du lịch của thành phố; kích thích cộng đồng du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch Đà Nẵng thông qua các hoạt động marketing trực tuyến.
Chia sẻ về việc hợp tác giữa hai bên, bà Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng cho biết xu hướng kết nối với các KOL, Micro Infuencer, Tiktoker để tham gia quảng bá được xem là một trong những định hướng truyền thông mà du lịch Đà Nẵng đang duy trì và phát triển.
Đây chính là kênh truyền thông hiệu quả và lan tỏa nhanh nhất đến với du khách trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Trung tâm mong muốn chương trình ký kết hợp tác sẽ thực sự đi vào chiều sâu, có sự gắn kết chặt chẽ, bền vững, đem lại lợi ích cho hai bên.
Việc phối hợp ký kết với các công ty truyền thông đa phương tiện là một trong những hoạt động hợp tác, đẩy mạnh truyền thông quảng bá du lịch Đà Nẵng đến với du khách cùng với những nỗ lực lan tỏa hình ảnh của thành phố, mang đến cho khách hàng những thông tin, hình ảnh sôi động và chân thật nhất.
Theo Nguyễn Bùi Duy Nguyên, Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông đa phương tiện GDL, Công ty mong muốn hỗ trợ cho thị trường du lịch Đà Nẵng nói chung và Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng nói riêng thông qua hình thức truyền thông mới, tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng trong và ngoài nước, đó chính là truyền thông cộng đồng.
Cũng tại buổi ký kết, các khách mời đã có những trao đổi, chia sẻ về những kinh nghiệm, đóng góp ý kiến thiết thực góp phần quảng bá du lịch, mang tinh hoa và vẻ đẹp du lịch của thành phố Đà Nẵng đến gần hơn với du khách./.