Đà Nẵng tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân

Tình huống giả định đó là có một xe bán tải chở 2 nguồn phóng xạ Ir-192 có hoạt độ 20 Ci lưu thông qua địa bàn thành phố Đà Nẵng, trên xe có lái xe và nhân viên áp tải nguồn phóng xạ.
Đà Nẵng tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân ảnh 1Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân năm 2016. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ngày 7/10, tại Trung tâm Hội chợ triển lãm, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân năm 2016.

Cuộc diễn tập có sự tham dự của đại diện Cục an toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ); lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng; lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh miền Trung; các sở, ban, ngành, cùng 100 cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế và cán bộ kỹ thuật ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân thành phố Đà Nẵng.

Đây là lần đầu tiên thành phố Đà Nẵng tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân nhằm đánh giá mức độ phù hợp với kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cấp thành phố đối với thực tiễn, khả năng chỉ đạo điều hành theo từng giai đoạn, khả năng tác nghiệp của các lực lượng ứng phó, công tác truyền đạt thông tin giữa các tổ chức tham gia ứng phó.

Tình huống giả định đó là có một xe bán tải chở 2 nguồn phóng xạ Ir-192 có hoạt độ 20 Ci lưu thông qua địa bàn thành phố Đà Nẵng, trên xe có lái xe và nhân viên áp tải nguồn phóng xạ. Trên tuyến đường hai chiều, xe bán tải đã va chạm mạnh với một xe tải đi ngược chiều khiến lái xe và nhân viên áp tải bị ngất trong xe. Người dân đã nhanh chóng thông báo cho lực lượng cảnh sát và gọi xe cứu thương để cứu chữa cho các nạn nhân.

Tại hiện trường, lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện nguồn phóng xạ bị văng ra ngoài. Ngay lập tức, lực lượng Cảnh sát giao thông đã thông báo, đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ; đồng thời tiến hành khoanh vùng an toàn, cô lập nguồn phóng xạ và nhanh chóng sơ tán người dân ra khỏi hiện trường.

Sau khi nhận được thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ, Ban Chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các lực lượng triển khai ứng phó với sự cố. Ban Chỉ huy hiện trường được thành lập; chính quyền địa phương, các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật, xe cứu thương, xe cứu hỏa đã được huy động đến hiện trường để cấp cứu các nạn nhân và tìm kiếm nguồn phóng xạ.

Trong quá trình tìm kiếm nguồn phóng xạ, các nhân viên y tế, cán bộ kỹ thuật tham gia ứng phó sự cố sử dụng các trang thiết bị bảo hộ chống nhiễm bẩn phóng xạ trước khi đưa nạn nhân ra ngoài; tổ chức sơ cấp cứu, đồng thời sử dụng thiết bị đo nối dài để đánh giá chính xác suất liều bức xạ trong khu vực nguy hiểm và định vị nguồn phóng xạ. Sau khi kiểm tra, bộ phận đánh giá và bảo vệ bức xạ không phát hiện thấy nhiễm bẩn phóng xạ, nguồn chưa bị hư hại, rò rỉ phóng xạ; liều cá nhân của cán bộ kỹ thuật vẫn nằm trong giới hạn cho phép.

Với các trang thiết bị đầy đủ được huy động, chỉ huy hiện trường chỉ đạo lực lượng thu hồi các nguồn phóng xạ. Các đơn vị, lực lượng tham gia cứu hộ đã phối hợp nhịp nhàng để thực hiện các bước thao tác, sử dụng thiết bị ghi đo bức xạ cầm tay, kiểm tra giá trị suất liều bức xạ, đo đánh giá an toàn, gắp nguồn vào bình chì, di chuyển nguồn phóng xạ về nơi lưu giữ đảm bảo an toàn, an ninh bức xạ.

Ông Vương Hữu Tấn - Cục trưởng Cục an toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, cuộc diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân đã bám sát nội dung kịch bản được phê duyệt, có sự phối hợp nhịp nhàng,đồng bộ, hiệu quả giữa các đơn vị trong việc thu hồi nguồn phóng xạ. Thông qua cuộc diễn tập lần này, các lực lượng ứng phó của thành phố sẽ rút ra được một số bài học kinh nghiệm để bổ sung, điều chỉnh, cập nhật vào kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân cho phù hợp với điều kiện thực tế địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục