Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong năm 2023 vẫn rất bấp bênh

Một cuộc thăm dò ý kiến của các doanh nghiệp tư nhân do Trường kinh doanh Cheung Kong thực hiện trong cùng tháng ghi nhận sự sụt giảm niềm tin kinh doanh đang tăng lên.

Ảnh minh họa.(Nguồn: AFP/TTXVN)
Ảnh minh họa.(Nguồn: AFP/TTXVN)

Kết quả từ các cuộc khảo sát độc lập và nguồn dữ liệu không chính thức vừa được công bố mới đây cho thấy sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn rất bấp bênh.

Trong tháng 10/2023, sự phục hồi tiêu dùng-yếu tố chính thúc đẩy phục hồi kinh tế của Trung Quốc – đã chậm lại và niềm tin kinh doanh của khối doanh nghiệp tư nhân không còn mạnh mẽ như các tháng trước.

Cụ thể, chỉ số về nhu cầu giải trí và đi lại của người tiêu dùng Trung Quốc, do công ty dữ liệu QuantCube Technology có trụ sở tại Paris (Pháp) công bố, cùng với cuộc khảo sát về tâm lý người tiêu dùng do Morning Consult của Mỹ thực hiện, đều cho kết quả giảm trong tháng 10/2023 so với tháng trước đó.

Tương tự, một cuộc thăm dò ý kiến của các doanh nghiệp tư nhân do Trường kinh doanh Cheung Kong thực hiện trong cùng tháng ghi nhận sự sụt giảm niềm tin kinh doanh đang tăng lên.

Những khảo sát này - cùng với nguồn dữ liệu chính thức của Trung Quốc chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ yếu và giá tiêu dùng giảm trong tháng 10/2023 – cho thấy sự phục hồi tiêu dùng của thị trường lớn nhất thế giới đang gặp khó khăn.

Tuy nhiên, ông Allan Von Mehren, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng Danske A/S, nhận định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang bước đi vững chắc và tăng trưởng kinh tế đã gần với mức mục tiêu 5% mà Chính phủ Trung Quốc đang hướng tới.

Theo chuyên gia Von Mehren, để tạo động lực tăng trưởng hơn nữa, các nhà lãnh đạo cần chú trọng tăng kích thích lớn hơn đối với một số lĩnh vực quan trọng, bao gồm thị trường nhà đất và tiêu dùng cá nhân.

Số liệu thống kê chính thức cho thấy triển vọng tiêu dùng là đặc biệt quan trọng, vì đây là yếu tố chính đóng góp vào tăng trưởng nhu cầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm nay.

Người dân Trung Quốc đã trải qua một kỳ nghỉ lễ quốc gia “Tuần lễ Vàng” kéo dài 8 ngày vào đầu tháng 10/2023, nhưng tổng kết kỳ nghỉ này có thể thấy rằng chi tiêu cho du lịch bình quân đầu người vẫn ở dưới mức đạt được trước đại dịch COVID-19.

Cuối tháng 10/2023, Chính phủ Trung Quốc đã công bố một đợt phát hành trái phiếu chính phủ bổ sung trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ (137 tỷ USD) dành cho việc phục hồi sau lũ lụt và phòng chống thiên tai.

Chuyên gia Von Mehren cho rằng, khoản vốn vay mới này có thể giúp hỗ trợ việc làm, nhưng “có vẻ như vẫn chưa đủ để cải thiện nhu cầu của người tiêu dùng.”

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs Group ước tính tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng lên 6,2% trong tháng 10/2023, từ mức 5,5% của tháng trước. Mặc dù vậy, nếu so với cùng kỳ năm trước, mức tăng hàng tháng của tháng 10/2023 vẫn thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với tháng 9/2023.

Báo cáo của Goldman Sachs Group lưu ý dựa trên chỉ số quản lý mua hàng (PMI) và xuất khẩu giảm nhiều hơn dự kiến, ước tính hoạt đông kinh tế của Trung Quốc có thể đã bị thu hẹp trong tháng 10/2023 và tăng trưởng rất có khả năng bị chững lại trong nửa đầu quý 4/2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.