Đà tăng giảm diễn ra đan xen trên thị trường năng lượng thế giới trong tuần qua.
Mặc dù giá dầu đã thoát khỏi mức thấp nhất 6 năm rưỡi nhờ đà phục hồi phiên cuối tuần, song vẫn chứng kiến tuần giảm giá thứ bảy liên tiếp, do mối lo ngại về dư cung vẫn còn trong lúc triển vọng tiêu thụ của Trung Quốc ảm đạm.
Sau ba phiên mất giá liên tiếp vào cuối tuần trước, thị trường năng lượng mở cửa đầu tuần (ngày 10/8) trong không khi hứng khởi khi giá dầu Brent và dầu ngọt nhẹ đồng loạt đi lên, nhờ hoạt động săn hàng giá hời.
Tuy nhiên, xu hướng tăng nhanh chóng bị chặn lại trong phien giao dịch sau đó, do Trung Quốc bất ngờ giảm tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ, làm dấy lên quan ngại về tình hình "sức khỏe" của nền kinh tế thứ hai thế giới.
Thậm chí, thông tin này còn khiến giá dầu trên thị trường Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 6 năm, do đồng USD lên giá khiến các mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn.
Cụ thể, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) ngày 11/8 đã điều chỉnh giảm gần 2% tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ so với đồng USD, xuống mức thấp nhất trong ba năm qua.
Động thái trên đã gây bất ngờ cho các thị trường và dẫn tới một làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu cũng như nhiều sàn giao dịch hàng hóa khác.
Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) rằng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ sẽ tăng mạnh nhất trong 5 năm, nhờ giá dầu giảm và nhịp độ tăng trưởng kinh tế mạnh hơn, đã giúp “vàng đen” đảo chiều lên giá trong phiên giao dịch ngày 12/8.
Song thị trường dầu mỏ lại tiếp tục đi xuống ngay trong phiên liền đó, xuống mức thấp nhất trong 6 năm rưỡi qua, trong bối cảnh sản lượng khai thác của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng mạnh, giữa lúc nguồn dầu trong hệ thống kho dự trữ chiến lược của Mỹ cao chưa từng có trong 80 năm qua.
Như vậy, kể từ cuối tháng Sáu tới nay, giá dầu WTI đã giảm tổng cộng gần 30%. Riêng trong tháng Bảy, giá dầu Brent giảm gần 20%.
Tới phiên giao dịch cuối tuần (ngày 14/8), đà tăng kỹ thuật đã giúp giá dầu ngọt nhẹ phục hồi, song không đủ để giúp mặt hàng này thoát khỏi tuần giảm giá thứ bảy liên tiếp.
Trong khi đó, giá dầu Brent tiếp tục lùi sâu sau khi Baker Hughes công bố báo cáo cho thấy số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động ngoài khơi của Mỹ trong tuần này đã tăng thêm hai chiếc, lên tổng số là 672 giàn.
Đây là tuần thứ tư liên tiếp số giàn khoan dầu của Mỹ gia tăng và thông tin này càng tạo áp lực lên thị trường năng lượng khi cho thấy sản lượng dầu của Mỹ vẫn cận kề quanh mức cao kỷ lục, bất chấp giá dầu liên tục hạ thấp.
Tuy nhiên, trong bức tranh u ám của thị trường dầu vẫn nổi lên một vài điểm sáng hiếm hoi có thể giúp hãm bớt đà giảm của giá dầu. Nhu cầu các chế phẩm dầu mỏ của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất và "ngốn" nhiều dầu thô nhất thế giới - đang có xu hướng tăng lên.
Theo Bộ Năng lượng Mỹ, nguồn cung ứng xăng ra thị trường của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 6/8 đã giảm 1,3 triệu thùng.
Cũng trong ngày 14/8, Bộ Thương mại Mỹ đã tuyên bố nới lỏng quy định cấm xuất khẩu dầu ra khỏi nước Mỹ vốn được áp dụng một thời gian dài, bằng việc cho phép xuất khẩu dầu thô sang Mexico.
Đây có thể là động thái tích cực góp phần hỗ trợ giá dầu trong thời gian tới.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 9/2015 tăng 27 xu Mỹ, lên 42,50 USD/thùng.
Tính chung cả tuần qua, dầu ngọt nhẹ giảm 3,1%. Trong khi tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc lại hạ 19 xu, xuống 49,03 USD/thùng trong phiên cuối tuần./.