Ngày 1/1, đặc phái viên Liên hợp quốc tại Libya, ông Martin Kobler đã tiến hành các cuộc hội đàm tại thủ đô Tripoli, tìm cách khuyến khích chính quyền Libya cam kết thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc nhằm chấm dứt nhiều năm xung đột đẫm máu tại đây.
Ông Kobler trước đó đã có các cuộc gặp riêng rẽ đại diện của chính phủ được quốc tế công nhận và người đứng đầu Đại hội Nhân dân Toàn quốc (GNC - cơ quan lập pháp cũ của Libya) Nouri Abusahmein.
Phát biểu tại cuộc họp báo cuối ngày 1/1, ông Kobler cho biết trong các cuộc gặp trên ông đã đề xuất với hai bên 5 điểm, gồm thỏa thuận chính trị Libya phải là cơ sở của mọi thảo luận, không có gì khác thay thế; không có sáng kiến song song nào khác, mọi sáng kiến đều dựa vào sự bảo trợ của Liên hợp quốc; tiến trình hòa giải này phải toàn diện và theo nguyên tắc chuyển giao quyền lực hòa bình từ các thể chế cũ sang các thể chế mới...
Hiện Libya đang tồn tại hai chính phủ và hai quốc hội. Các nhóm cực đoan như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã chiếm các vùng duyên hải làm 435.000 người mất nhà cửa.
Ngày 17/12 vừa qua, dưới sự giúp đỡ của Liên hợp quốc, đại diện của các bên và một số chính khách độc lập đã ký một thỏa thuận nhằm thành lập chính phủ đoàn kết. Khoảng 80/188 nghị sỹ thuộc Quốc hội được quốc tế công nhận và 50/136 thành viên cơ quan lập pháp cũ đã ký vào văn kiện trên, theo đó một chính phủ gồm 17 thành viên sẽ được thành lập và do doanh nhân Fayez el-Sarraj làm Thủ tướng, đặt trụ sở tại Tripoli./.