Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 29/11, đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria, ông Geir Pedersen hối thúc các bên nỗ lực để đạt tiến triển trong vòng đàm phán sắp tới nhằm điều chỉnh hiến pháp Syria và sớm kết thúc cuộc nội chiến đã kéo dài hơn 9 năm tại đất nước này.
Phát biểu với báo giới tại cuộc họp trực tuyến trước thềm vòng đàm phán mới dự kiến diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 30/11, đặc phái viên Pedersen cho biết Syria đã trải qua gần 10 năm xung đột, gây chia rẽ sâu sắc, xói mòn niềm tin giữa các bên, vì vậy xây dựng lòng tin sẽ là cánh cửa dẫn tới một tiến trình chính trị sâu rộng hơn. Ông cũng nói thêm rằng: "Không có hạn chót và không có thời gian biểu nào cho các cuộc thảo luận này, song chúng ta đều nhất trí rằng cần nỗ lực để đạt tiến triển".
Ông Pedersen cho biết đã tiến hành nhiều chuyến công du trong những tuần vừa qua, làm việc với các đồng minh của Chính phủ Syria, cũng như đồng minh của phe đối lập. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ủng hộ mà cộng đồng quốc tế dành cho các nỗ lực tìm kiếm hòa bình mà Liên hợp quốc đang tiến hành, đồng thời bày tỏ vui mừng cho biết hiện Liên hợp quốc đang nhận được những sự hậu thuẫn cần thiết.
[Ước mơ về cuộc sống hòa bình trên mảnh đất Syria]
Ủy ban Hiến pháp Syria (SCC), gồm đại diện của Chính phủ Syria, phe đối lập và xã hội dân sự, đã chính thức được thành lập ở Geneva ngày 30/10/2019, để soạn thảo một hiến pháp mới. Một Tiểu ban của SCC gồm 45 đại diện, mỗi bên có 15 đại diện, đã tiến hành họp gần đây nhất vào tháng 8 vừa qua, song không đạt kết quả. Theo kế hoạch, hội nghị lần thứ 4 của Tiểu ban sẽ diễn ra tại trụ sở ở châu Âu của Liên hợp quốc.
Tại đây, các phái đoàn sẽ thảo luận cùng một lịch trình như trong hội nghị trước đó, về các nền tảng và nguyên tắc quốc gia. Sau đó vào tháng 1/2021, sẽ diễn ra các cuộc thảo luận về Các nguyên tắc Hiến pháp.
Cuộc xung đột tại Syria nổ ra từ năm 2011 đã khiến hơn 380.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời nhà đi lánh nạn. Hiện Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn các bên đối địch tại Syria. Nga ủng hộ Chính phủ Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn một số nhóm vũ trang đối lập. Sau đợt leo thang căng thẳng đầu năm 2020 dẫn tới nguy cơ hai bên đối đầu trực diện, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga hồi tháng 3 đã nhất trí chấm dứt đối đầu và tiến hành các hoạt động tuần tra chung tại Idlib./.