Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 23/8, ông Tim Lenderking - đặc phái viên Mỹ về Yemen, nhận định đã có những tiến bộ trong tiến trình hòa bình tại Yemen trong 18 tháng qua, bao gồm cả thỏa thuận ngừng bắn tháng 4/2022 giữa chính phủ và lực lượng Houthi, tuy nhiên con đường phía trước vẫn còn nhiều “khó khăn và thử thách.”
Phát biểu trong một cuộc họp giao ban trực tuyến do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức bàn về Yemen, ông Lenderking đề cập đến việc Saudi Arabia và Iran đạt được thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao mới đây. Ông cho rằng Iran cần tuân thủ các cam kết đã đưa ra với Saudi Arabia là hỗ trợ một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Yemen.
Ông đánh giá rằng bất kỳ biện pháp nào mà các nước trong khu vực áp dụng nhằm giảm căng thẳng sẽ mang lại lợi ích cho khu vực, trong đó có cuộc xung đột ở Yemen.
Theo ông Lenderking, chỉ có một thỏa thuận chính trị giữa các bên tham chiến tại Yemen mới có thể giải quyết lâu dài cuộc xung đột này và chỉ có nỗ lực phục hồi và tái thiết toàn diện với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các nhà tài trợ trong khu vực cũng như quốc tế mới có thể đảo ngược cuộc khủng hoảng nhân đạo và kinh tế mà người dân Yemen đang phải đối mặt hằng ngày.
Ông bày tỏ lạc quan về triển vọng đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán hòa bình tại Yemen. Ông cũng hối thúc lực lượng Houthi và Chính phủ Yemen cùng nhau vạch ra một lộ trình tương lai tốt đẹp hơn cho quốc gia này.
[Lực lượng Houthi bắn phá dữ dội nhiều ngôi làng ở Yemen]
Ông Lenderking cho rằng có 4 khía cạnh chính trong các cuộc đàm phán đang diễn ra, đó là cam kết không thực hiện các cuộc tấn công xuyên biên giới; mở rộng năng lực thương mại tại sân bay Sanaa; giảm thiểu đáng kể thủ tục hành chính liên quan đến vận chuyển dầu và các nguồn cung cấp nhân đạo thương mại khác vào Yemen; tạo điều kiện thuận lợi cho việc trả lương cho những người lao động trong khu vực công tại Yemen vốn đã không được trả lương kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.
Ông Lenderking nêu rõ thời gian vừa qua ghi nhận giai đoạn giảm căng thẳng bạo lực kéo dài nhất kể từ khi xung đột bùng phát. Hàng nghìn sinh mạng đã được cứu. Các cuộc tấn công và không kích qua biên giới đã dừng lại.
Quyền tự do đi lại đã được cải thiện, bao gồm cả việc nối lại các chuyến bay thương mại từ sân bay Saana lần đầu tiên kể từ năm 2016./