Đặc sắc chương trình nghệ thuật 'Tình khúc thời hoa đỏ' chào mừng 30/4

Chương trình là sự tâm huyết, cống hiến của các nghệ sỹ Nhà hát Ca, múa, nhạc Việt Nam, hứa hẹn đưa khán giả đến với các cung bậc cảm xúc qua các tác phẩm ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước.
Đặc sắc chương trình nghệ thuật 'Tình khúc thời hoa đỏ' chào mừng 30/4 ảnh 1Xe tăng của Lữ đoàn tăng-thiết giáp 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN)

Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Tình khúc thời hoa đỏ” sẽ diễn ra tối 24/4 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội).

Đây là chương trình do các nghệ sỹ Nhà hát Ca, múa, nhạc Việt Nam xây dựng và biểu diễn, chào mừng Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 -30/4/2021), đồng thời đánh dấu sự trở lại của nhà hát sau ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đây cũng là sự kiện trong khuôn khổ các hoạt động biểu diễn nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, tiền thân là Đoàn văn công nhân dân Trung ương (1951-2021).

Chương trình là sự tâm huyết, đam mê, cống hiến của các nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát Ca, múa, nhạc Việt Nam, hứa hẹn sẽ đưa khán giả đến với nhiều cung bậc cảm xúc qua các tác phẩm ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi.

Nghệ sỹ biểu diễn trong chương trình là những gương mặt được khán giả yêu thích và đã dành được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi trong nước, quốc tế như Nghệ sỹ Nhân dân Thái Bảo; các Nghệ sỹ Ưu tú Đức Long, Ngọc Khang; Hoàng Quyên - Á quân Vietnam idol, Hoàng Yến - giải Nhất Cuộc thi tiếng hát quốc tế hữu nghị Việt-Trung, Phan Tuân và Nhóm Pha lê - Giải nhì Cuộc thi tiếng hát quốc tế hữu nghị Việt-Trung…

Chương trình mở đầu với màn hát múa “Kỷ niệm mối tình đầu - Điệp khúc tình yêu” (sáng tác Vũ Hùng-Trần Tiến) với sự tham gia của Nghệ sỹ Nhân dân Thái Bảo, các Nghệ sỹ Ưu tú Đức Long, Ngọc Khang, Lương Huy và tốp ca nam, nữ.

“Tình khúc thời hoa đỏ” gồm 3 phần chính: “Những bông hoa lửa,” “Nỗi lòng” và “Đón bình minh,” với những khúc hát nổi tiếng, đi cùng năm tháng và sâu đậm trong kí ức của nhiều thế hệ người Việt.

Cụ thể, trong phần một chủ đề “Những bông hoa lửa,” công chúng yêu nhạc sẽ được thưởng thức các ca khúc “Mời anh đến thăm quê tôi” (sáng tác Nguyễn Đức Toàn); “Đợi anh về” (thơ Lê Giang, âm nhạc Hoàng Hiệp); “Nhớ” (thơ Nguyễn Đình Thi, âm nhạc Hoàng Vân); “Gửi nắng cho em” (thơ Bùi Văn Dung, âm nhạc Phạm Tuyên)...

[120 nghệ sỹ đa quốc tịch sẽ cùng hòa giọng 'Vì một Hà Nội đáng sống']

Ở phần 2 mang tên “Nỗi lòng” gồm những khúc ca tâm tình, sâu lắng như “Tôi muốn - Yêu người và yêu đời - Thương nhau ngày mưa” (sáng tác Nguyễn Trung Cang - Lê Hựu Hà); “Thu sầu” (sáng tác Lam Phương); “Cô đơn” (sáng tác Nguyễn Ánh 9); “Tôi đi giữa hoàng hôn” (sáng tác Văn Phụng); “Nỗi lòng người đi” (sáng tác Anh Bằng)…

Trong phần 3 “Đón ánh bình minh” sẽ là các ca khúc “Lá cờ” (sáng tác Tạ Quang Thắng); “Bước đi không dừng lại”( sáng tác Dương Cầm); “Đón bình minh” (sáng tác Khắc Hưng); “Giấc mơ mang tên mình” (sáng tác Văn Phong)…

Nhà hát Ca, múa, nhạc Việt Nam là “cái nôi” nuôi dưỡng và phát triển nhiều giọng ca đi cùng năm tháng, phục vụ đất nước suốt 7 thập kỷ qua, xứng đáng là cánh chim không mỏi của nền nghệ thuật biểu diễn nước ta.

Đầu năm 2021, Nhà hát Ca, múa, nhạc Việt Nam đón nhận danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới,” làm dày thêm trang sử vàng những cống hiến của nhà hát. Tập thể các nghệ sỹ của nhà hát sẽ “không ngủ quên trong chiến thắng” mà luôn lao động, sáng tạo nghệ thuật, thực hiện sứ mệnh bảo tồn, phát huy các giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc…/.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Những năm tháng chiến tranh trước, sau ngày Giải phóng Thủ đô để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc; nhiều tác phẩm trở thành bất hủ, thậm chí thành biểu tượng của Hà Nội.