Đại biểu 21 nước sẽ dự các hội nghị của APEC tại Khánh Hòa

Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung," tại các cuộc họp, các đại biểu sẽ trao đổi về thúc đẩy tăng trưởng bền vững; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng.
Đại biểu 21 nước sẽ dự các hội nghị của APEC tại Khánh Hòa ảnh 1Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp APEC (ISOM) diễn ra hồi tháng 12/2016. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Hội nghị các quan chức cao cấp Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ nhất (SOM1) và các cuộc họp liên quan sẽ được tổ chức tại Nha Trang, Khánh Hòa, từ 18/2 đến 3/3.

Tham dự các cuộc họp, dự kiến có khoảng 1.500 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên, đại diện Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, Hội đồng tư vấn doanh nghiệp Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và một số tổ chức quốc tế và khu vực khác, cùng một số đại diện giới doanh nghiệp.

SOM1 là hội nghị tổng thể đầu tiên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2017. SOM1 gồm 56 cuộc họp, hội thảo, đối thoại… của 38 ủy ban và nhóm công tác Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trên nhiều lĩnh vực khác nhau như tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh, ứng phó thiên tai, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, tạo thuận lợi di chuyển cho doanh nhân, đại dương và nghề cá, thương mại điện tử, dịch vụ…

Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung," tại các cuộc họp, các đại biểu Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương sẽ trao đổi, thống nhất các ưu tiên và nội hàm các ưu tiên của hợp tác Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2017 về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các thành viên sẽ xác định ưu tiên của bốn ủy ban về thương mại, đầu tư, kinh tế, hợp tác kinh tế-kỹ thuật, ngân sách, quản lý và các nhóm công tác khác của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương; đồng thời đề ra các định hướng cho các hoạt động của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2017.

Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ chủ trì cuộc họp Hội nghị các quan chức cao cấp Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ nhất (SOM1) và cuộc họp Nhóm bạn của Chủ tịch về kết nối.

Bên cạnh đó, 13 bộ, cơ quan Việt Nam sẽ trực tiếp chủ trì hoặc đảm nhiệm vai trò chủ tịch, phó chủ tịch các ủy ban, nhóm công tác của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Bộ Công Thương (chủ trì Ủy ban Ngân sách - BMC, Đối thoại công nghiệp ôtô-AD); Bộ Ngoại giao (chủ trì Hội đồng cơ quan nghiên cứu chính sách APEC-PSU); Bộ Tài chính (chủ trì Nhóm công tác về thủ tục hải quan-SCCP); Bộ Khoa học và Công nghệ (chủ trì Nhóm công tác Tiêu chuẩn và hợp chuẩn – SCSC, Đối thoại chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới-PPSTI); Bộ Kế hoạch và Đầu tư (chủ trì Nhóm Phát triển nguồn nhân lực); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (chủ trì Đối thoại chính sách về an ninh lương thực)…

Trong dịp này, Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương diễn ra tại Nha Trang do Bộ Tài chính chủ trì./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.