Ngày 6/7, tại phiên họp thảo luận về tình hình thực hiện kinh tế, xã hội trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 15 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV, các đại biểu cùng chung nhận định, đại dịch COVID-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng đang bị tác động.
Do đó, các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã "hiến kế" để Hà Nội phát huy mọi nguồn lực, quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch, vừa duy trì phát triển kinh tế, xã hội," đặc biệt là kiên quyết không để dịch bệnh quay lại, xóa đi thành quả thành phố đã đạt được trong việc kiểm soát đại dịch, cũng như nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng, phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô trong thời gian qua.
Nhiều đại biểu cùng chung nhận định, để hoàn thành mục tiêu kép, từ nay đến cuối năm 2020 rất cần thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính...
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (Tổ đại biểu quận Hoàng Mai) đề xuất thành phố tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy để các doanh nghiệp phát triển, nhất là ở cấp sở, ngành, quận, huyện thành phố. Các doanh nghiệp cần nhất là được hỗ trợ về cơ chế. Điều này đặt ra trách nhiệm, sự công tâm, sáng tạo của các cơ quan và từng công chức là chìa khóa để tạo nên động lực tích cực.
[Khai mạc Kỳ họp thứ 15 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội]
Đại biểu Dương Đức Tuấn (Tổ đại biểu quận Hoàn Kiếm) nêu quan điểm, 6 tháng đầu năm 2020, thành phố đã mất một nửa thời gian để phòng, chống dịch bệnh. Trước tình hình dịch bệnh trên thế giới rất phức tạp, sức ép để thực hiện mục tiêu kép, đạt mục tiêu tăng trưởng gấp 1,3 lần cả nước là rất lớn, vì vậy rất cần sự chỉ đạo điều hành tập trung, khắc phục các khó khăn.
Bên cạnh đó, thành phố cần triển khai Quy hoạch thành phố mới, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng mới theo Luật Quy hoạch.
Theo đó, thành phố cần tiếp tục cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để phủ kín quy hoạch cấp dưới theo thứ tự, tầng bậc; xác định các đồ án quy hoạch trọng tâm, cấp thiết thực hiện trong năm 2020, phục vụ yêu cầu quản lý của chính quyền các cấp và đầu tư phát triển...
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ đại biểu quận Thanh Xuân) đề nghị thành phố quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác quy hoạch của Thủ đô, nhất là các quy hoạch lớn, quan trọng như quy hoạch phân khu sông Hồng.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, cần phải có một quyết tâm chính trị lớn và ưu tiên cho quy hoạch này để giải quyết các vướng mắc, nhất là các vướng mắc về các văn bản pháp luật của bộ, ngành, Trung ương để đáp ứng nong mỏi của cử tri và nhân dân Thủ đô cũng như nhân dân cả nước.
Đại biểu Nguyễn Hoàng (Tổ đại biểu huyện Phú Xuyên) đề xuất thành phố nghiên cứu quy hoạch lại tổng thể các ngành phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô phù hợp với diễn biến COVID-19, trong đó tập trung phát triển 5 đô thị vệ tinh... Đây là dư địa động lực cho thành phố phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại hội trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thực hiện yêu cầu của Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo trả lời đầy đủ 252 câu hỏi, kiến nghị của cử tri trước, sau Kỳ họp thứ 11 và 15 câu hỏi, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 15.
Đồng thời, Ủy ban Nhân dân thành phố đã báo cáo trả lời 28 câu hỏi chất vấn của các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố trên các lĩnh vực kinh tế, quản lý đô thị, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội... chuẩn bị báo cáo tại 2 kỳ họp không thường kỳ, 1 phiên giải trình, 2 cuộc giám sát của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội...
Đưa ra một số dự báo về tình hình dịch bệnh và kinh tế thế giới, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nêu một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới. Trong đó, nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu tiếp tục chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn lực, nhân lực để bảo đảm chăm lo sức khỏe cho người dân, làm tốt công tác phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác. Mọi nguồn lực của thành phố được cân đối để bảo đảm chế độ chính sách về an sinh xã hội. Thành phố cũng chuẩn bị mọi nguồn lực cho công tác phòng chống thiên tai, đẩy mạnh công tác bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục coi trọng cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục hành chính, đẩy mạnh các dịch vụ công; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, khôi phục sản xuất, mở rộng thị trường nội địa, thị trường mới và các thị trường Việt Nam vừa ký kết hiệp định thương mại.
Thành phố cũng tập trung các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa bằng nhiều giải pháp như xây dựng chương trình, sự kiện văn hóa chào mừng 1010 năm Thăng Long, các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao diễn ra trên thành phố.
Thành phố cũng đang đánh giá kỹ lưỡng, đàm phán với các đối tác liên quan, để tiếp tục tổ chức giải đua Công thức 1 (F1) vào cuối tháng 11/2020, đồng thời tiếp tục chuẩn bị chương trình, dự án phục vụ SEA Games 31 và Para Games 11.
Về vấn đề quy hoạch sông Hồng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đã đề xuất phương án, trong đó ủy quyền cho thành phố tiếp tục thực hiện quy hoạch phân lũ xong sẽ tiếp tục quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.
Vấn đề quan trọng của việc tháo gỡ vướng mắc là xây dựng cơ sở hạ tầng, điện đường trường trạm cho gần 900.000 người dân dọc tuyến sông Hồng trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh phát triển kinh tế, xã hội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng khẳng định, thành phố rất coi trọng các nhiệm vụ bảo đảm, giữ gìn vệ sinh môi trường, tiếp tục không cắt giảm các dự án đầu tư cho môi trường.
Đối với Dự án xử lý rác thải tại Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào tháng 12/2020 với công suất 4.000 tấn/ngày đêm, đốt phát điện với công suất 75MW.
Công trình xử lý nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì) hiện vẫn bảo đảm tiến độ đến đầu năm 2022 sẽ hoàn thành, đồng thời thành phố cũng đang tiến hành đấu thầu thu gom rác năm 2021 và những năm tiếp theo.
Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã chuyển 1.020 tỷ đồng qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho các hộ nghèo, hộ kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch vay phát triển sản xuất, đồng thời rà soát, đề xuất giãn hoãn tiền thuê, sử dụng đất cho các doanh nghiệp.
Đối với công tác xử lý nợ đọng thuế, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang nợ đọng thuế hơn 30 nghìn tỷ đồng. Trong đó có khoảng 15 nghìn tỷ đồng doanh nghiệp có khả năng trả nợ, thành phố cũng đã báo cáo đề xuất giảm, hoãn, cắt nợ cho các doanh nghiệp. Còn hơn 15 nghìn tỷ đồng các doanh nghiệp có nợ lâu năm, khó đòi, thành phố đưa ra kế hoạch, giải pháp 4 bước để thu hồi nợ đọng thuế, nếu các doanh nghiệp không nộp thành phố có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế và không cho triển khai các dự án mới.
Theo báo cáo, hơn 2 tháng qua, Hà Nội không có ca nhiễm COVID-19 ngoài cộng đồng. Dịch COVID-19 đã được khống chế và thiết lập "trạng thái bình thường mới", an sinh xã hội được đảm bảo, góp phần cùng cả nước đẩy mạnh phục hồi và duy trì tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2020. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm ước thực hiện 142.013 tỷ đồng, đạt 50,9% dự toán, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh tới tất cả các ngành, lĩnh vực, các chỉ tiêu giảm mạnh, thành phố đã thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch, vừa duy trì và phát triển kinh tế, xã hội."
Kết quả là hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố từng bước được phục hồi. Tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm tăng 3,39%, mức tăng khá cao so với các tỉnh, thành phố và mức chung của cả nước.
Cũng trong chiều 6/7, đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 của thành phố Hà Nội, với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành.
Các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã bầu bổ sung 2 Ủy viên Ủy ban Nhân dân thành phố và miễn nhiệm 3 Ủy viên Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021./.