Đại biểu lo ngại việc thất thoát khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Việc phân cấp, phân quyền đi kèm với việc tăng cường tính minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình sẽ hạn chế được tình trạng địa phương “đùn đẩy” lên trên khiến Chính phủ và các bộ quá tải.
Đại biểu lo ngại việc thất thoát khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất ảnh 1Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tải tổ sáng 6/1. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Việc Quốc hội thảo luận một luật để sửa đổi nhiều luật được coi là giải pháp hữu hiệu hóa giải nhiều điểm nghẽn thúc đẩy hoạt động sản xuất-kinh doanh do tác động của đại dịch, song nhiều đại biểu cũng đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng để việc ban hành luật không bị chồng chéo, đặc biệt là tránh việc thất thoát tài sản của Nhà nước.

Đảm bảo hiệu quả các dự án

Phát biểu tại tại phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự diễn ra sáng 6/1, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư sẽ góp phần tạo bình đẳng cho các nhà đầu tư có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là trong triển khai các dự án nhà ở thương mại.

[Đại biểu Quốc hội: Gói hỗ trợ rất cần thiết nhưng phải 'đúng và trúng]

Tuy nhiên, ông Cường cũng nêu thực tế tại nhiều địa phương khi một số dự án đất văn hóa có giá thấp nhưng khi chuyển đổi mục đích sang dự án xây nhà ở thương mại thì giá đất lại tăng lên rất cao so với thị trường. Điều này có thể gây thất thoát tài sản của nhà nước, bởi theo quy định giá đất của các dự án văn hóa còn thấp.

Vì thế, đại biểu đoàn thành phố Hà Nội kiến nghị cùng với tăng cường phân cấp, phân quyền thì phải tăng cường giám sát các dự án này để bảo đảm hiệu quả.

Cùng đưa ra ý kiến trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh tính cần thiết của việc sửa đổi các luật nêu trên trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết.

Góp ý chi tiết hơn, theo nữ đại biểu này, việc giao đất đầu tư là một tài sản lớn của Nhà nước nên việc sửa đổi lần này cần cân nhắc đến khả năng nhà đầu tư có thể chuyển đổi mục đích sử dụng bất cứ loại đất nào khi có nhu cầu để thực hiện các dự án nhà ở thương mại.

“Điều này có thể dẫn đến việc thất thu tài sản của Nhà nước và những tác động khi chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp sang các dự án khác,” đại biểu Nguyễn Phương Thủy nêu ý kiến.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Theo nhiều đại biểu, chủ trương phân cấp, phân quyền được thực hiện trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho nhiều địa phương có thể trực tiếp tháo gỡ các điểm nghẽn trong việc đầu tư, thúc đẩy sản xuất-kinh doanh trên địa bàn.

Đồng tình với chủ trương này, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho rằng việc phân cấp, phân quyền đi kèm với việc tăng cường tính minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình, trách nhiệm chủ dự án và cơ quan thực thi.

Ông nhấn mạnh với chủ trương này sẽ hạn chế được tình trạng địa phương “đùn đẩy” lên trên, khiến Chính phủ và các bộ quá tải.

“Công khai minh bạch thì không lo khi giao cho cấp dưới. Ở cấp nào gần với thực tiễn nhất và có nhiều thông tin nhất nên giao quyết định cho cấp đó, còn việc kiểm tra cũng có quy chế để thực hiện việc này,” ông Lộc nêu ý kiến.

Đại biểu lo ngại việc thất thoát khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất ảnh 2Đại biểu Vũ Tiến Lộc phát biểu tại phiên thảo luận tổ. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Góp ý thêm, đại biểu Đỗ Đức Hiển (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cơ bản đồng tình với nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho địa phương được quy định trong dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư công.

Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị dự thảo luật cần mở rộng theo hướng giao thẩm quyền quyết định đầu tư dự án nhóm A cho địa phương.

Nội dung này cũng được đại biểu Trần Đình Văn (đoàn Lâm Đồng) đồng tình cao. Theo ông, việc quy định Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm thông báo dự kiến bổ sung kế hoạch trung hạn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài sau khi phê duyệt đề xuất dự án đầu tư nhóm B và C sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi là cần thiết.

Trên cơ sở này, cơ quan chủ quản có thể thực hiện thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn một cách hiệu quả, tuy nhiên nên có thêm điều khoản quy định rõ ràng hơn về quy trình, thời hạn cũng như cách thức để Thủ tướng Chính phủ tiến hành thủ tục thông báo dự kiến bổ sung kế hoạch trung hạn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài này.

Đại biểu Trần Đình Văn cũng cơ bản nhất trí với việc sửa đổi Điều 2 của Dự thảo lần này, theo đó “Dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng một hoặc các nguồn vốn sau: vốn ngân sách trung ương do Bộ, cơ quan trung ương quản lý; vốn vay ODA; vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.”

Ông cho rằng, quy định như vậy sẽ rõ ràng trong việc Dự án chỉ sử dụng vốn vay ODA và Dự án chỉ sử dụng vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Trong khi đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Quảng Bình) đề nghị quy định cụ thể về trách nhiệm các chủ thể được phân quyền trong việc bảo đảm tính hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tuân thủ, công khai, minh bạch khi tổ chức thực hiện các dự án./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.