Đại biểu Nguyễn Thị Khá: Phải theo dõi đến cùng cuộc giám sát

Đại biểu Nguyễn Thị Khá cho rằng, chương trình giám sát của Quốc hội phải có kết luận và phân công theo dõi hậu giám sát kết luận đó đến cùng để đem lại kết quả.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá: Phải theo dõi đến cùng cuộc giám sát ảnh 1Đại biểu Nguyễn Thị Khá mong muốn các ứng viên đại biểu Quốc hội khóa tới phải có chương trình hành động sát thực tế. (Ảnh: T.Hiền/Vietnam+)

Nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội sắp kết thúc, một trong những ấn tượng mạnh mẽ của đại biểu và cử tri là một nhiệm kỳ mới đồng bộ, trách nhiệm trên các mặt như lập hiến, lập pháp; giám sát và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước.

Bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) đã trao đổi với báo giới về công tác giám sát của Quốc hội cũng như những kỳ vọng trong thời gian tới.

- Thưa Đại biểu Nguyễn Thị Khá, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, kết quả giám sát nào để lại ấn tượng nhất với bà?

Đại biểu Nguyễn Thị Khá:
Tôi rất hoan nghênh giám sát về oan sai trong lĩnh vực tư pháp và giám sát về quản lý đất đai trong nông-lâm trường quốc doanh. Hai giám sát đó thể hiện tính nhân văn và đặc biệt mang lại hậu quả thiết thực cho những đối tượng oan sai hoặc nhân viên nông lâm trường, những người dân mất đất.

- Theo đại biểu, phải làm như thế nào để công tác giám sát đạt hiệu quả cao hơn nữa trong khóa tới?

Đại biểu Nguyễn Thị Khá: Muốn giám sát đạt hiệu quả thì phải chuẩn bị sẵn chương trình, kế hoạch. Bên cạnh đó, ngoài giám sát bằng văn bản của các cơ quan báo cáo, chúng ta phải đi thực tế. Bởi lẽ, có những việc, lĩnh vực chúng ta cần phải thấy tận mắt mới có thể đưa ra các kiến nghị kịp thời.

Tôi cũng mong muốn chương trình giám sát và hậu giám sát phải đi song song với nhau. Điều này có nghĩa giám sát phải có kết luận chỉ ra được địa phương đã làm được gì tốt để phát huy và đặc biệt là những hạn chế bất cập.

Sau khi có kết luận giám sát, người trưởng đoàn phải chịu trách nhiệm và phải có sự phân công theo dõi hậu giám sát và phải có thời gian cho việc này. Ví dụ, có những việc người ta khắc phục được ngay nhưng có những việc phải có thời gian. Chúng ta phải theo dõi đến cùng cuộc giám sát đó thì mới có kết quả thành công.

- Việc chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đang diễn ra rất sôi động. Điều bà muốn gửi gắm tới các ứng cử viên của khóa sau là gì?

Đại biểu Nguyễn Thị Khá: Về chuẩn bị bầu cử, tôi thấy các cơ quan chuyên môn đang tiến hành rất thận trọng vừa chu đáo để bảo đảm cho các ứng cử viên đạt theo tiêu chuẩn mà Quốc hội đề ra.

Tôi mong muốn ứng cử viên phải là người đưa ra một chương trình hành động thật sát thực tế. Và người dân - cử tri cũng phải đặt câu hỏi qua chương trình hành động, ví như ứng cử viên có thể hành động được hay không, điều kiện gì để đại biểu hành động được… Không nên viết chương trình hành động bao la, không có trọng tâm. Có như thế, đại biểu hoạt động mới có chất lượng.

- ​Với vai trò đại biểu Quốc hội, chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ, điều gì khiến bà còn trăn trở?

Đại biểu Nguyễn Thị Khá: Trong 500 đại biểu có những đại biểu được cơ cấu, nhưng quan trọng là phải lựa chọn được thành phần nổi bật, ưu tú nhất.

Ví dụ như cơ cấu về đại biểu là người dân tộc thiểu số, chúng ta phải chọn người tiêu biểu nhất. Đại biểu có nhiều lĩnh vực, vùng miền, không thể ngang nhau được nhưng ít ra đại biểu đó phải là người nổi trội trong lĩnh vực mà mình gánh cơ cấu.

- Thông thường, khi đưa một vấn đề gì đó sẽ cần kết quả mang lại. Vậy, hiệu quả trong những lần phát biểu ở nghị trường có mang lại kết quả như bà mong muốn hay không?

Đại biểu Nguyễn Thị Khá: Nói chung muốn thì rất nhiều, nhưng đáp ứng thì cũng phải tùy theo điều kiện thực tế. Ví dụ như khi tiếp xúc với cử tri về Luật Người cao tuổi, cử tri có đề nghị tăng phụ cấp xã hội cho đối tượng này. Tôi đã phát biểu, nhưng cân đối ngân sách Nhà nước chưa đủ...

Chúng tôi cũng phải theo dõi việc mình nói đi đến đâu, theo đuổi đến cùng. Chúng tôi ở các cơ quan chuyên trách có điều kiện gặp gỡ các bộ, ngành, địa phương và sẽ nhắc nhở họ giải quyết kiến nghị cử tri như về chính sách với người có công, chế độ thương binh, liệt sĩ…

- Là nữ đại biểu, bà gặp khó khăn gì trong ba nhiệm kỳ ngồi trên ghế nghị trường?

Đại biểu Nguyễn Thị Khá: Phụ nữ việc nhà việc nước đương nhiên gặp khó khăn. Ngoài ra, phụ nữ phát biểu ra người ta sẽ nhìn cả hình thức và nội dung như chất lượng phát biểu làm sao, ăn mặc như thế nào…

Về phần mình, tôi nghĩ đã làm tốt theo chương trình hành động đề ra. Tôi đã cố gắng đáp ứng yêu cầu của cử tri nơi tôi ứng cử. Hứa gì với dân, tôi đã làm hết sức.

- Xin cảm ơn đại biểu!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục